Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

CHILE - Pablo Neruda

Xem đầy đủ tác phẩm của Pablo Neruda tại đây:


Pablo Neruda (1904-1973) là bút danh của Neftali Ricardo Reyes y Basoalto – nhà thơ Chilê đoạt giải Nobel Văn học 1971.

Tiểu sử: 
Pablo Neruda sinh ngày 12-7-1904 tại thị trấn Parral, sau đó gia đình chuyển về Temuco, miền nam Chilê. Ông học tiếng Pháp và Giáo dục học, rồi dạy tiếng Pháp, làm nhà ngoại giao, đi rất nhiều nơi trên thế giới; là một trong những nhân vật quan trọng trong chính quyền Chile. Năm 1927 ông làm lãnh sự Chilê ở Burma (nay là Myanmar), năm 1932 ở Argentina, năm 1934 ở Tây Ban Nha. Năm 1945 được bầu vào Thượng nghị viện, nhưng mấy năm sau bị buộc tội phản quốc và phải trốn sang Mexico vì đã công khai phê phán chính phủ đương nhiệm. Năm 1970 ông về nước ra tranh cử Tổng thống, là bạn và người ủng hộ nhiệt thành của tổng thống S. Agende.

Pablo Neruda bắt đầu sự nghiệp văn chương từ rất sớm; hai mươi tuổi ông xuất bản tập thơ Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng, là tập thơ bán chạy nhất ở Chile, làm cho ông trở thành một trong những nhà thơ trẻ nổi danh nhất ở Mỹ Latinh. Tập thơ Bài ca chung gồm 340 bài thơ được coi là kiệt tác đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. 


P. Neruda đã đi từ trường phái biểu tượng sang siêu thực và cuối cùng trở thành hiện thực, là nhà thơ nhập cuộc, nhà thơ chiến đấu, ảnh hưởng của thơ ông đối với các dân tộc nói tiếng Tây Ban Nha là rất lớn. Năm 1971 ông được trao giải Nobel vì những lời thơ phản kháng vang khắp thế giới, có một trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình tế nhị. P. Neruda là nhà nghệ sĩ cách mạng đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Mỹ Latinh và hòa bình thế giới, là tác giả của những kiệt tác thơ tình cuồng nhiệt, những áng thơ triết lý sâu sắc và của cả những bản tụng ca những điều giản dị, đời thường. Ông được coi là một trong những nhà thơ hàng đầu của thế kỉ XX. Thơ ông được dịch nhiều và được yêu thích ở Việt Nam. 


Pablo Neruda mất ngày 23-9-1973 tại thủ đô Santiago.



Tác phẩm:
* Bài ca ngày hội (La cancion de la fiesta, 1921), thơ
* Hoàng hôn (Crepusculario, 1923), thơ
* Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng (Viente poemas de amor y una canciún desesperada, 1924), thơ
* Sự mạo hiểm của con người bất tử (Tentativa del hombre in finito, 1926), thơ.
* Trú ngụ trên trái đất (Residencia en la tierra, tập 1, 1933, tập 2, 1935), thơ
* Tây Ban Nha trong tim (Espana en el corazon, 1937), thơ.
* Bài ca Stalingrad (Canto Stalingrado, 1942), thơ.
* Bài ca chung của Chile (Canto general de Chile, 1939), chùm thơ sử thi.
* Bài ca chung (Canto general, 1950), thơ.
* Chùm nho và những ngọn gió (La uvas y el viento, 1954), thơ.
* Bài ca khởi thủy (Odas elementales, 1954_1959), thơ, 3 tập
* Bài ca chiến công (Canción de gesta, 1960), thơ.
* Đi biển và trở về (Na vegacionesy regresos, 1959), thơ.
* Một trăm bài sonnnê tình yêu (Cien sonetos de amur, 1960), thơ.
* Những viên ngọc Chile (Les piedras de Chile, 1960), thơ.
* Những bài ca nghi lễ (Cantos ceremoniales, 1961), thơ.
* Đài kỉ niệm của Isla Negra (Memorial de Isla Negra, 1964), thơ
* Những cánh tay của ngày  ( Las manos del día, 1968), thơ
* Ngày tận thế (Fin de mundo, 1969), thơ
* Những viên đá trời (Las piedras del cielo, 1970), thơ
* Biển cả và tiếng chuông (El mar y las campanas, 1973), thơ
* Trái tim vàng (El corazon amarillo, 1974), thơ
* Tôi xin thú nhận rằng tôi đã sống (Confieso que he vivido, 1974), văn xuôi

Một số bài thơ



Ở VIỆT NAM

Ai đã gây nên chiến tranh?

Từ ngày hôm kia tôi đã nghe thấy nó.

Và tôi sợ.


Chiến tranh vang rền

tựa như đá ném vào tường
như tiếng sấm cùng với máu
như đang chết dần cả núi non.

Thế giới này

tạo ra không phải tôi.
Và không phải bạn.
Thế giới có từ xưa rồi.
Ai đe dọa cuộc đời móng nhọn?
Ai kề dao bên cổ cuộc đời?
Thế giới này chỉ sinh ra, có phải?
Còn ai đi chém giết vì điều này?
người đi xe đạp vô cùng sợ hãi
và vị kiến trúc sư.

Người mẹ nuôi đứa con thơ

trong đất bùn ẩn giấu
người mẹ ngủ trong hang
còn chiến tranh lan tràn
bằng lửa cháy
và những người chết ở đấy
là người mẹ cùng với đứa con.

Họ đã chết trong bùn.


Ôi đau thương!

và kế từ dạo ấy
đến bây giờ họ vẫn sống trong bùn.
Họ bắn súng và hát lên. Lạy Chúa tôi
giá mà nói cho bạn biết điều này
trước khi sáng tạo ra thế giới
giá mà, dù chỉ là lời nói nhỏ bên tai
rằng những người thân yêu nhất của bạn trên đời
cần phải chết khổ đau như vậy
không bao giờ biết được tại vì đâu?!
Chính những kẻ giết người này
sẽ đến giết tôi và bạn
chính những kẻ giết người này
sẽ đến đây đốt bạn và tôi
những kẻ phiêu lưu mạo hiểm hay cười
những kẻ huyênh hoang, rối rắm
sẽ bay đến đây
hủy diệt thế giới này.

Chúng đã bỏ lại trên đồng

máu của mẹ, cha, của những đứa con
bạn hãy đi tìm trong đó
xương và máu của mình
lẫn trong bùn đất của Việt Nam.
Bạn hãy tìm giữa đống xương người lạ
bị thiêu cháy, bây giờ chẳng của riêng ai
của tất cả mọi người
của chúng ta – của tôi và bạn
bạn hãy đi tìm
trong cái chết này cái chết của mình
bởi những kẻ giết người rồi sẽ săn lùng bạn
mang đến cho bạn cái chết trong bùn.
______________

(En Vietnam – In Vietnam trong tậpNhững cánh tay của ngày”-  Las manos del día, 1968)


FAREWELL

1
Từ trong sâu thẳm nhìn vào mắt em
Những ước mơ chưa trở thành hiện thực

Vì cuộc đời này ta đem hoà nhập
Cuộc đời của anh và của em.

Vì những bàn tay này, những bàn tay của ta
Ta hãy học cách xây và phá bỏ

Vì những đôi mắt này em hãy chùi giọt lệ
Dù lệ không còn, sẽ đau đớn gấp ba.

2
Những điều này không cần nữa đâu em

Mặc cho hai ta không còn giữ gìn
Cái sức mạnh từng bắt hai chúng mình làm một.

Không phải lời mà em thoáng nghĩ ra
Không phải điều mà bằng lời không tả được

Không phải cơn bão lòng, thuở trước
Không phải bờ mi em run rẩy phút chia xa.

3
Anh thích tình yêu của những người đi biển
Gặp gỡ rồi chia xa

Họ hứa hẹn sẽ quay về
Nhưng họ không về, em có thấy

Và bến tàu – như cô gái
Vẫn mong rằng họ sẽ về mau

Nhưng ngoài biển khơi, nơi con sóng bạc đầu
Họ lấy cho mình cái chết.

4
Anh thích tình yêu, nơi hai người sẻ chia
Bánh mì và nơi ngủ trọ.

Tình yêu cho một thời gian
Hay tình yêu muôn thuở.

Tình yêu là sự nổi loạn ở trong tim
Chứ không phải là con tim tê liệt.

Tình yêu, có tình yêu bắt kịp
Và có tình yêu không bắt kịp bao giờ.

5
Mắt anh không còn uống đã ánh mắt em
Nỗi đau ngày nào trong tim không thành sẹo

Nhưng dù ở đâu, anh vẫn thấy mắt em nhìn
Và nỗi đau anh vẫn theo em khắp mọi nẻo.

Em đã từng của anh. Anh đã từng của em
Nghĩa là ta đã từng sống trong tình.

Anh đã từng của em. Em đã từng của anh
Khi em yêu người khác. Kẻ đó là người tình.

Anh từ giã buồn đau. Nhưng muôn đời đau khổ
Từ nơi gặp gỡ của chúng mình anh chẳng biết sẽ về đâu?

Vĩnh biệt! Một giọng nói thủ thỉ trong tim
Và anh cũng nhủ lòng: vĩnh biệt!



NỮ HOÀNG


Anh gọi em là nữ hoàng
Thực ra là cao hơn em, cao hơn
Thực ra là thanh sạch hơn, sạch hơn
Thực ra là đẹp hơn em, đẹp hơn.
Nhưng nữ hoàng là em.

Khi em đi trên đường phố
Ai cũng ngước mắt nhìn
Không thấy vương miện pha lê trong
Và thảm bằng vàng tấm
Nhưng nơi em đặt bàn chân đến
Thảm ấy không cần.

Em cứ ngỡ rằng
Trong người anh
Mọi con sông trên đời đang hát
Và trên trời tiếng chuông gióng lên
Một bài ca bay trên mặt đất.

Nhưng chỉ em và anh
Chỉ anh và em, hai đứa
Có thể nghe ra bài hát này.


BÀI THƠ SUÔNG MỪNG ĐÁM CƯỚI

Đôi mắt của em buồn vô hạn
tựa như hai thân thể rã rời.
Thế còn bao nỗi đau xót chưa nguôi
giấu trong bàn tay em đờ đẫn!

Ta gặp nhau. Anh cảm thấy nhiều hơn
trong cuộc đời của anh hơi ấm
từ đó mà em tin chắc chắn
rằng anh cũng buồn vô hạn, giống như em…



TÌNH TUYỆT VỜI
(100 sonnê tình yêu)

Tình tuyệt vời, trong đêm anh cảm thấy gần em
đêm vô cùng, không thấy gì trong giấc mộng
anh cố gắng chỉ hoài công, anh lẫn lộn
với những suy tư và lo lắng của mình.

Sóng mang đi ra biển trái tim của em
nhưng thân thể trên bờ, anh dễ dàng nhận thấy
đừng tìm anh, trong giấc mộng của anh đầy rẫy
bởi được nhân đôi như hoa cỏ trong đêm.

Sáng mai thức dậy đời sẽ khác mà em
nhưng từ cái giới hạn không rõ ràng đã mất
giới hạn giữa cuộc đời và cái chết, nơi hai đứa chúng mình.

Vẫn có điều gì còn lại trong ánh bình minh
tựa hồ như dấu vết của cái đêm rực lửa
sáng tạo của đêm đem đến thật vô tình.





NẾU ANH CHẾT

 (100 sonnê tình yêu)

Nếu anh chết, thì em nhé, hãy lo
cho anh bằng một nỗi lo cuồng loạn
ánh mắt nhìn về phương Nam hãy ném
miệng hướng mặt trời vang như tiếng ghi ta.

Anh không muốn em cười ít đâu mà.
Em hãy vui – gia tài cho anh đó.
Đừng gọi anh, bởi anh không còn nữa.
Trong thiếu vắng anh như sống ở trong nhà.

Sự vắng mặt của anh – ngôi nhà rất to
xuyên qua tường, em vào nhà có thể
những bức tranh hãy treo như không khí.

Sự vắng mặt của anh – trong suốt ngôi nhà
anh thấy rõ ràng em sống ra sao trong đó
và anh sẽ chết lại nếu như em đau khổ.


TIẾNG CƯỜI CỦA EM

Cứ lấy đi bánh mì, nếu như em muốn
và lấy đi không khí của tôi, nhưng
đừng lấy đi tiếng cười của em. 

Đừng lấy đi đóa hoa hồng
và hoa cúc mà em thường hái
và dòng nước đột nhiên tuôn chảy
trong niềm vui rất sảng khoái của em
và cả con sóng bạc đột nhiên
con sóng này sinh ra từ em đó.

Anh trở về từ chông gai nghiệt ngã
đôi mắt của anh mệt mỏi, lừ đừ
vì lẽ đó đôi khi anh nhìn ra
rằng trái đất này không hề thay đổi
nhưng khi tiếng cười em cất lên sôi nổi
đi tìm anh, chợt cao vút lên trời
trước mặt anh có biết bao cánh cửa
mở toang ra cho anh bước vào đời. 

Trong giờ tăm tối nhất, người yêu ơi
em hãy cất lên tiếng cười rộn rã
và nếu bỗng nhiên em nhìn thấy rõ
rằng dòng máu nóng của anh
rơi trên từng viên đá trên đường phố
thì em ơi hãy cười lên khi đó
vì tiếng cười của em sẽ trở thành
thanh kiếm sắc ở trong tay anh đó. 

Vào mùa thu em đi về biển cả
thì em nhớ nhé hãy cười lên
tiếng cười em như bọt nước thác tràn
còn khi mùa xuân về, em yêu ạ
anh muốn tiếng cười của em rộn rã
như bông hoa mà anh vẫn chờ mong
những bông hoa màu xanh, những bông hồng
những bông hoa miền quê anh rộn rã. 

Trong đêm tối hãy cười lên em nhé
giữa ánh sáng ngày, dưới ánh trăng thanh
cả những khi trên những con đường cong
lượn vòng quanh trên những hòn đảo nhỏ
em cứ việc cười cả cái chàng trai trẻ
dù vụng về, chàng trai đó yêu em
nhưng mỗi khi anh mở mắt ra nhìn
rồi sau đó đôi mắt anh nhắm lại
khi bước chân anh đi ra thiên hạ
rồi lại quay về những bước chân anh
cứ lấy đi cả ánh sáng, mùa xuân
cứ lấy đi cả bánh mì, không khí
nhưng đừng lấy đi tiếng cười của em
đừng bao giờ - không thì anh chết đó.  



Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng (1924)

Poema 15
Tôi yêu sự im lặng vì không có em bên mình
Vì em ở xa xôi lời tôi không thể đến
Dường như đôi mắt em đang bay trên đôi cánh
Và dường như nụ hôn này khép lại môi em.

Bao sự vật ở đời đang chất chứa trong lòng
Hồn của tôi tràn đầy, em bước ra từ đó
Như hồn tôi, em như giấc mơ con bướm nhỏ
Và em giống như những từ ngữ u buồn.

Tôi yêu sự im lặng vì em ở xa xăm
Lời than phiền như lời ru con bướm
Vì em ở xa xôi lời tôi không thể đến
Hãy để tôi im lặng cùng sự im lặng của em. 

Hãy để tôi chuyện trò với im lặng của em
Sáng tỏ như ngọn đèn, giản đơn như chiếc nhẫn.
Em như bầu trời đêm đầy sao và im ắng
Im lặng như sao trời, giản dị, thật xa xăm. 

Tôi yêu sự im lặng vì không có em bên mình
Xa cách và đau buồn như là em đã chết
Một lời nói lúc này, một nụ cười đủ biết
Cho tôi mừng vì em không chết thật nghe em.



TRĂNG

Khi tôi sinh ra mẹ tôi đã qua đời
Nỗi đau thiêng liêng đợi chờ điều tai họa.
Trong cơ thể mẹ một ngôi sao lấp lóa
Tôi sinh ra bằng cái chết của mẹ tôi.
Vây quanh tôi
một dòng sông vô hình
nụ cười của tôi muôn đời che khuất bởi
một nỗi buồn như giọng hát lên.
Mẹ trùm lên bình minh của tôi, mệt mỏi
bằng mùa lá rụng của cuộc đời mình.
Màu vàng của bàn tay mẹ khi hấp hối
giữa hồn tôi thành màu của ánh trăng.
Bởi thế mà cánh đồng buồn bã
tôi nhìn qua khung cửa sổ nhà mình
Mẹ ươm tôi thành bông lúa
còn màu vàng, màu của ánh trăng thanh…


BÓNG

Tôi hãy còn chưa quay về
hãy còn chưa quay trở lại
tôi vẫn hãy còn đang ra đi
trên thế giới này lửa cháy
bên trong tĩnh mạch này
máu của tôi đang chảy
tôi không thể nào quay lại
trở về với bản thân mình
tôi nhìn thấy con người, cây cối
kí ức của lá, của cành
thấy lời chào trong đôi mắt mùa xuân
và cái đuôi của chó.

Thấy yên lặng của ngôi nhà đang mở
cho giọng nói của tôi, không làm đổ bức tường
bằng tiếng súng hay tiếng đá kêu vang
bước chân tôi lang thang trên mặt đất
tôi sờ vào dây trường xuân quấn chặt
cổng vòm bằng đá hoa cương
tôi ở trong đồ vật, giữa khoảng không
bởi vì bóng của tôi nơi này không thơ thẩn
mà thực ra – tôi là bóng của người du lãng.




CHÀO!

Mỗi buổi sáng ta nói lời : Chào!
với mỗi người ta gặp
đấy là tấm danh thiếp
dù giả dối hay chân thật của ta
là tiếng chuông để tất cả nghe ra
ta ở đây – Chào! – nghĩa là ta có mặt
ta chào người này, kẻ khác
người có dao
kẻ cầm thuốc độc
Chào! - đấy là ta
ta như nhau nhưng không chịu đựng
ta yêu nhau, nhưng không giống
mỗi người có đam mê, công việc của mình
ta vui mừng được trở thành (hoặc không?)
cần biết bao nhiêu bàn tay xếp đặt
biết bao nhiêu bờ môi sắp xếp –
Chào!
thời gian còn quá ít
Chào!
có điều gì nhận biết –
Chào!
ta mải mê theo công việc
nếu có chút gì còn lại
chút gì còn lại sau ta
Chào!


CHỜ ĐỢI

Có những ngày hãy còn ở trên đường
những ngày này hãy còn chưa chuẩn bị
như bánh mì, thực phẩm, như chiếc ghế
từ trong xưởng thợ làm ra
có những nhà máy của những ngày xa
nơi những người thợ cân đong, đo đếm
theo từng ý thích mà xây dựng
trong ngày nắng cũng như ngày mưa
và có một lần đến gõ cửa nhà ta
để tặng ta quả cam chín mọng
hoặc từ sau ngưỡng cửa bắn vào ta.





Tôi xin thú nhận rằng tôi đã sống - Hồi ký
(Confieso que he vivido) 

Tôi xin thú nhận rằng tôi đã sống (Confieso que he vivido) là cuốn sách tập hợp những hồi ký của nhà thơ Chile Pablo Neruda do nhà xuất bản Seix Barral in lần đầu vào năm 1974. Đây là một tác phẩm xuất bản sau khi tác giả đã qua đời, tập hợp những ấn tượng của tác giả gần như cho đến lúc chết.

Theo khảo sát của “Viện sách Tây Ban Nha”, cuốn sách được xếp hạng thứ hai trong danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất của Tây Ban Nha năm 1975.   

Trong cuốn sách, Neruda hồi tưởng về những sự kiện, những điều mà ông đã chứng kiến trong suốt cuộc đời mình: những người hút thuốc phiện ở Thái Lan, người Anh cai trị ở Miến Điện, kinh nghiệm của ông trong việc đối phó với tất cả các loại phụ nữ trong nhiều tình huống, các cuộc trò chuyện giữa nhà thơ và Ernesto Che Guevara vv…, những chuyến đi tới Mexico hay Liên Xô, Tây Ban Nha trong thời Đệ nhị Cộng hòa và công việc nặng nhọc sau khi Nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ để cứu những người Cộng hòa, những người vô chính phủ và tất cả những người bị áp bức trong tù, đưa họ đến tàu Winnipeg đi lưu đày. Những điều này và rất nhiều các sự kiện khác được tái tạo rõ ràng trong tâm trí của tác giả.

Tác phẩm, được viết trong nhiều năm, kết thúc bằng cái chết của nhà thơ, chỉ mười hai ngày sau cuộc đảo chính bạo lực năm 1973, chấm dứt cuộc sống và chính quyền của Salvador Allende. Neruda kết thúc những ký ức của mình bằng cách lên án cuộc đảo chính đẫm máu và đau đớn nhớ lại hình bóng của người bạn mình, Tổng thống Allende.

Sau khi xuất bản tác phẩm này, có một lời thú nhận mà Neruda từng nói rằng ông đã hãm hiếp một phụ nữ khi ông làm lãnh sự ở Ceylon vào năm 1929.

Rằng “tôi đã sống” thì chẳng có gì lạ lùng với một người đã sống 69 năm ở cuộc đời này nhưng tại sao lại phải thú nhận. Có thể nói đây là những lời bộc bạch cởi mở của một nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà chính trị đã sống một cuộc đời đầy đủ với những hỉ nộ ái ố của cuộc đời người, mà theo tôi, có vẻ như ông đã không hề giấu diếm điều gì. 

Tôi đã đọc cuốn sách gồm 340 trang này nhiều lần, đã định dịch hết ra tiếng Việt nhưng thấy rằng dịch hết cũng chẳng để làm gì. Nếu tôi có đưa đi in thì cũng sẽ bị người ta cản trở, chẳng phải vì có điều gì nhạy cảm hay liên quan đến chính trị gì cả mà chỉ thế thôi.Những tập thơ mà tôi dịch của các tác giả cổ điển của thế giới vẫn bị người ta làm khó nếu in ra. So với hàng chục năm dịch gần 400 nhà thơ của đông tây kim cổ thì dịch cuốn sách này chỉ mất mấy tháng. Dịch thì không lâu nhưng để chú thích đầy đủ cho bạn đọc Việt Nam hiểu trọn vẹn thì cần thời gian tra cứu về những tên riêng, tên địa lý và nhiều thuật ngữ trong nhiều lĩnh vực với một không gian trải dài hầu như khắp quả địa cầu. 


Bởi thế, trước mắt, tôi chỉ dịch 8 trong số 135 bài để phục vụ cho cuốn “36 nhà thơ đoạt giải Nobel” mà tôi đã dịch hàng chục năm nay, một phần trong số này đã in trong cuốn “Các nhà thơ giải Nobel” do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2006. Những bài tôi đã dịch chỉ liên quan đến giải thưởng Nobel, những bài viết về các tác giả đoạt giải Nobel, những bài liên quan đến thơ ca và những kẻ thù văn học của Pablo Neruda. 




TÔI XIN THÚ NHẬN RẰNG TÔI ĐÃ SỐNG

Bài thơ đầu tiên của tôi

Bây giờ tôi sẽ kể câu chuyện về các loài chim. Trên hồ Budi, thiên nga bị người ta săn lùng một cách tàn nhẫn. Họ leo lên thuyền chầm chậm rồi chèo thuyền về phía chúng rất nhanh và rất nhanh ... Thiên nga, giống như hải âu lớn, bay kém, trước tiên chúng phải chạy trên mặt nước. Chúng giang đôi cánh rộng của mình. Khi đó chúng bị người ta tiếp cận và dùng gậy bắt. 

Người ta mang cho tôi một con thiên nga sắp chết. Đó là một loài chim đẹp mà tôi chưa từng thấy trên thế giới – một con thiên nga có cổ màu đen. Một con tàu tuyết với cái cổ màu đen tuyệt đẹp, như thể bị quấn vào một chiếc vớ lụa đen. Chim có mỏ màu cam, và mắt màu đỏ.

Đấy là một nơi gần biển, ở Puerto Saavedra, Imperial del Sur.

Người ta đưa cho tôi con chim đã sắp chết. Tôi rửa vết thương cho nó, đẩy bánh mì và cá vụn vào cổ họng. Nó nôn ra mọi thứ. Nhưng tôi vẫn tiếp tục chữa vết thương cho nó, thiên nga bắt đầu nhận ra rằng tôi là bạn của nó. Và tôi nhận ra rằng nó sắp chết vì buồn nhớ. Sau đó, nâng con chim nặng trên tay, tôi mang nó dọc theo các con đường đi ra sông. Thiên nga bơi một chút – gần bên cạnh tôi. Tôi muốn nó săn cá và chỉ cho nó xuống đáy, nơi có những con cá bạc màu lướt qua giữa những viên sỏi, trên cát. Nhưng con chim đưa đôi mắt buồn nhìn về phía xa xa. 

Cứ như vậy – hằng ngày, trong chừng hai mươi ngày hoặc thậm chí nhiều hơn, tôi mang nó ra sông, và sau đó đưa về nhà. Con thiên nga cao gần bằng chiều cao của tôi. Một hôm chim tỏ ra vẻ uể oải, dù tôi cố gắng cho chim bắt cá nhưng nó vẫn lờ đờ – tôi cầm nó trên tay để đưa về nhà. Tôi cảm thấy dường như có một dải băng dài đã mở ra và dường như có một bàn tay đen chạm vào mặt tôi. Đó là cái cổ cong dài gục xuống. Do đó tôi hiểu được rằng thiên nga không hót khi nó chết.   

Mùa hè đang thiêu đốt ở Cautín. Đốt cháy bầu trời và lúa mì. Trái đất muốn phục hồi sau một giấc ngủ dài. Những ngôi nhà ở đây không thích nghi với mùa hè và cũng không thích nghi với mùa đông. Tôi rời làng và bước đi. Tôi bị lạc trên ngọn đồi Ñielol. Tôi một mình, túi của tôi chứa đầy bọ cánh cứng. Trong hộp của tôi có một con nhện lông. Không thể nhìn thấy bầu trời trên cao. Rừng Selva luôn ẩm ướt, đế giày tôi trượt nhẹ, ở đâu đó một con chim đột nhiên kêu lên – đấy là chim chukao dự báo. Một điềm báo khủng khiếp trỗi dậy từ dưới chân và ôm lấy tôi. Hoa Copihue đông cứng bởi những giọt máu nên hầu như không thể nhìn thấy rõ. Tôi chỉ là một sinh vật nhỏ bé dưới những cây dương xỉ khổng lồ. Một con chim bồ câu rừng vỗ cánh khô khốc ngay bên miệng tôi. Và phía trên tôi, tiếng chim khàn khàn. Tôi tìm đường đi thật khó khăn. Đã muộn rồi.

Bố tôi vẫn chưa đến. Ông sẽ đến vào lúc ba hoặc bốn giờ sáng. Tôi đi lên lầu vào phòng của tôi. Tôi đọc Salgari. Và đột nhiên mưa như trút nước. Trong nháy mắt, đêm và mưa che khuất cả thế giới. Ở đó tôi chỉ có một mình, trong cuốn sổ tay số học của tôi, tôi viết những câu thơ. Tôi thức dậy rất sớm vào sáng hôm sau. Mận vẫn xanh. Tôi chạy lên ngọn đồi. Tôi mang theo mình một gói muối nhỏ. Tôi trèo lên cây, tìm một chỗ ngồi thoải mái, cẩn thận cắn một quả mận rồi lấy ra và rắc muối lên. Sau đó ăn. Và như vậy – đến cả trăm quả mận. Tôi biết rằng như thế là quá nhiều.


Ngôi nhà của chúng tôi bị thiêu rụi và ngôi nhà mới này chứa đầy bí ẩn đối với tôi. Tôi trèo hàng rào và nhìn sang nhà hàng xóm. Không có ai ở đó. Tôi trải các tấm ván, đằng sau chúng cũng chẳng có gì. Chỉ có những con nhện đáng thương kia. Phía cuối sân là nhà vệ sinh. Những cái cây xung quanh đó có nhiều sâu. Trên cây hạnh nhân có những quả màu trắng. Tôi biết cách bắt những con ruồi trâu mà không làm tổn thương chúng bằng cách dùng một chiếc khăn tay. Giữ chúng trong khăn một chút rồi đưa lên tai. Thật tuyệt vời!

Như một nhà thơ nhỏ cô đơn, một đứa trẻ mặc quần áo đen ở vùng biên giới mênh mông đầy sợ hãi. Cuộc sống và những cuốn sách tiết lộ dần những bí mật khó khăn cho tôi từng bước.

Tôi sẽ không bao giờ quên những gì tôi đã đọc trong buổi tối qua: một quả mít đã cứu mạng Sandokán và đồng đội của anh ta ở Malaysia xa xôi.  

Tôi không thích Búfalo Bill vì anh ta giết người bản địa. Nhưng anh ta phi ngựa thật tuyệt vời. Những thảo nguyên và những chiếc lều hình nón của người da đỏ thật đẹp biết bao!

Người ta thường hỏi tôi rằng tôi đã viết bài thơ đầu tiên khi nào, thơ của tôi ra đời ra sao. 

Tôi cố gắng nhớ lại. Ngày còn nhỏ, khi tôi mới học viết, đột nhiên cảm thấy một sự xúc động mãnh liệt và tôi liền viết ra mấy dòng, một số có vần điệu, những lời này có vẻ xa lạ, không giống với những lời nói thường ngày. Tôi đã chép lại trên tờ giấy trắng và bị chi phối bởi một cảm giác khác thường mà trước đây tôi chưa từng biết đến, vẻ như u sầu, vẻ như buồn bã. Đó là bài thơ tôi viết tặng mẹ – người mẹ kế, thiên thần hộ mệnh của tuổi thơ tôi. Tôi đã không thể đánh giá chất lượng của tác phẩm đầu tay này và tôi đưa bài thơ cho bố mẹ tôi. Họ ngồi trong phòng ăn, với giọng trầm trầm, những câu chuyện của bố mẹ như những dòng sông cách ngăn giữa thế giới của trẻ em và người lớn. Vẫn còn run rẩy từ những xúc cảm đầu tiên, tôi đưa cho họ một mảnh giấy. Bố tôi lơ đãng cầm lấy, lơ đãng đọc nó, và không kém phần lơ đãng trả lại cho tôi và hỏi:

- Con chép lại từ đâu vậy?

Và ông lại lặng lẽ nói chuyện với mẹ về những vấn đề quan trọng và xa xôi của ông.

Dường như bài thơ đầu tiên của tôi đã ra đời như vậy và tôi đã có được một ví dụ đầu tiên về sự phê bình văn học cẩu thả. 

Trong khi đó, tôi vẫn tiến về phía trước để tìm hiểu thế giới – người hoa tiêu cô đơn trong một biển sách hỗn độn và vô tận. Sự thèm đọc sách không giảm bớt ngày cùng như đêm. Trên bờ biển, ở Puerto Saattedra nhỏ bé, tôi tìm thấy một thư viện thành phố và một nhà thơ già, don Augusto Winter, người đã ngạc nhiên trước sự khao khát đọc sách của tôi. “Anh đã đọc nó chưa?” – ông hỏi tôi, rồi đưa cho tôi một cuốn sách mới của Vargas Vila, hoặc Ibsen, hoặc Rocambole. Giống như một con đà điểu, tôi nuốt bừa tất cả. 

Vào thời điểm này, một phụ nữ cao dong dỏng, thường mặc váy dài và giày gót thấp, vừa đến Temuco. Đây là giám đốc mới của trường nữ sinh. Cô ấy đến từ một thành phố miền nam, từ tuyết của eo biển Magellan. Cô ấy tên là Gabriela Mistral.

Tôi thấy cô ấy đi bộ trên đường phố trong bộ quần áo dài và tôi thấy sợ cô ấy. Nhưng khi người ta đưa tôi đến gặp cô ấy, tôi nhận ra rằng cô tốt bụng và rất dễ thương. Khuôn mặt da ngăm đen của cô ấy chứng tỏ dòng máu bản địa chiếm ưu thế, giống như bình rượu Araucania xinh đẹp, lấp lánh những vệt trắng khi cô ấy cười vui làm cho căn phòng trở nên sáng sủa hơn.

Tôi còn quá trẻ để mà làm bạn với cô ấy, tôi quá rụt rè và tự ti. Tôi chỉ gặp cô ấy một vài lần. Nhưng điều này là khá đủ – đi đâu tôi cũng mang theo những cuốn sách mà cô ấy tặng. Đấy luôn là những cuốn sách của các nhà văn Nga mà cô ấy coi là hiện tượng đáng chú ý nhất trong văn học thế giới. Tôi có thể nói rằng Gabriela đã giới thiệu cho tôi một thế giới quan nghiêm túc và cởi mở vốn là đặc trưng của các nhà văn Nga, và rằng Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov trở thành niềm say mê sâu sắc nhất của tôi. Và họ tiếp tục đồng hành cùng với tôi. 
=
Chú thích những tên riêng trong bài:

*Emilio Salgari (1862 – 1911) – Nhà văn Ý  
*Sandokán – là nhân vật chính của những tiểu thuyết phiêu lưu mà Emilio Salgari là tác giả
*Búfalo Bill là biệt danh của William Frederick Cody (1846 – 1917) – Doanh nhân, người nổi tiếng của giới giải trí Mỹ
*“Đó là bài thơ tôi viết tặng mẹ – người mẹ kế, thiên thần hộ mệnh của tuổi thơ tôi”. Mẹ đẻ của nhà thơ, như ông đã viết trong bài “Thời thơ ấu và thơ ca”, rằng ông sinh ngày 12 tháng 7 năm 1904, một tháng sau đó mẹ ông đã chết vì bệnh lao phổi. 
*Augusto Winter Tapia (1868-1927) là một thủ thư và nhà thơ người Chilê
*José María Vargas Vila (1860 – 1933) – Nhà văn Colombia
*Henrik Ibsen (1828 – 1906) – Nhà soạn kịch người Na Uy
*Rocambole – Nhân vật chính của loạt tiểu thuyết phiêu lưu và hình sự trong thế kỷ 19 của nhà văn Pháp Pierre Alexis Ponson du Terrail (Ponson du Terrail, 1829 – 1871), Rocambole là tên gọi chung cho những nhà thám hiểm.
*Gabriela Mistral (1889 – 1957) – Nhà giáo dục, nhà ngoại giao, nhà thơ người Chilê đoạt giải Nobel Văn học năm 1945
*Lev Tolstoy (1828 – 1910) – Nhà văn Nga
*Fyodor Dostoyevsky (1821 – 1861) – Nhà văn Nga
*Anton Chekhov (1860 – 1904) – Nhà văn Nga




Federico từng là người như thế nào

Năm 1932, sau chuyến đi hai tháng bằng đường biển, tôi trở về Chilê. Ở đó, tôi đã xuất bản cuốn “Người bắn ná nhiệt thành”, là người đi chu du cùng tôi và cuốn “Trú ngụ trên trái đất” mà tôi đã viết ở phương Đông. Vào năm 1933, tôi được bổ nhiệm làm Lãnh sự Chilê tại Buenos Aires và vào tháng 8 tôi đã đến đó. 

Gần như cùng lúc, Federico Garcia Lorca đã đến thành phố này để cùng tôi dàn dựng vở bi kịch “Đám cưới máu” với nhóm Lola Membrive ở đó. Chúng tôi đã gặp nhau ở Buenos Aires, sau đó các nhà văn và bạn bè đã nhiều lần sắp xếp các kỳ nghỉ cho chúng tôi. Quả thật, có những rắc rối cũng đã xảy ra. Federico có những đối thủ. Tôi cũng luôn có đối thủ và cho đến ngày hôm nay không thiếu những kẻ như vậy. Những đối thủ này luôn cố gắng tắt đèn để không ai nhìn thấy bạn. Điều này cũng đã xảy ra tại thời điểm đó. Hội Văn bút (Pen Club) đã quyết định tổ chức một bữa tiệc để vinh danh chúng tôi với Federico trong khách sạn Plaza, và khi hiểu rằng có rất nhiều người muốn tham gia thì một ai đó đã suốt ngày gọi cho các số điện thoại, thông báo rằng buổi lễ đã bị hủy bỏ. Họ đã cố gắng hết sức để gọi điện cho mọi người, thậm chí còn gọi cho giám đốc khách sạn, nhân viên tổng đài điện thoại và đầu bếp để những người này không chấp nhận lời chúc mừng và không chuẩn bị bữa tối. Nhưng âm mưu của họ đã thất bại, và chúng tôi vẫn gặp Garcia Lorca trong vòng tay của hàng trăm nhà văn người Argentina.

Chúng tôi làm họ ngạc nhiên. Chúng tôi đã chuẩn bị cho anh ấy một bài phát biểu alimón. Có thể bạn không biết từ này có nghĩa là gì và tôi cũng không biết. Federico, một bậc thầy trong tất cả các ý tưởng và những trò đùa thực tế, đã giải thích:

“Có một kỹ thuật như vậy, khi hai người đấu bò chống lại một con bò đực dùng một chiếc áo choàng cho hai người. Đây là một trong những kỹ thuật nguy hiểm nhất trong nghệ thuật đấu bò. Bởi thế, điều này rất ít khi xảy ra. Nó chỉ xảy ra hai hoặc ba lần trong một trăm năm, và điều này chỉ có thể xảy ra nếu hai người đấu là anh em ruột hoặc họ có cùng huyết thống. Đây được gọi là trận chiến al alimón, và hôm nay chúng ta sẽ làm điều tương tự với bài phát biểu”.

Và chúng tôi đã làm điều đó nhưng không một ai biết trước. Khi đến thời điểm cảm ơn vị Chủ tịch của Hội Văn bút cho bữa tiệc, chúng tôi đã đứng dậy cả hai cùng một lúc, như hai người đấu bò, để nói một lời phát biểu. Mọi người đang ngồi ở những bàn riêng biệt, Federico – ở một đầu, còn tôi – ở đầu kia, và khi cả hai chúng tôi cùng đứng dậy thì những người ngồi cạnh tôi, nghĩ rằng có sự nhầm lẫn gì đấy, đã kéo áo khoác của tôi để tôi ngồi xuống, và những người ngồi cạnh Federico, cũng kéo anh ta như vậy. Chúng tôi bắt đầu nói cùng với nhau, tôi bắt đầu nói: “Thưa các Quí bà…”, thì Federico tiếp tục: “và thưa các Quí ông…”, và cứ lần lượt như vậy để có được một bài phát biểu thống nhất. Bài phát biểu này được dành riêng cho Rubén Darío, bởi vì cả García Lorca và tôi, mặc dù không ai có thể nghi ngờ chúng tôi về chủ nghĩa hiện đại, đã tôn vinh Rubén Darío là một trong những người sáng tạo tuyệt vời của ngôn ngữ thơ bằng tiếng Tây Ban Nha.

Dưới đây là nội dung của bài phát biểu này.

NERUDA. Thưa các quý bà...

LORCA ... và thưa các quý ông! Có một kỹ thuật trong đấu bò, được gọi là al alimón khi hai người đấu né con bò, trốn đằng sau một chiếc áo choàng.

NERUDA. Federico và tôi, được kết nối bằng một sợi dây điện, sẽ biểu diễn theo cặp tại buổi lễ quan trọng này.

LORCA. Đã trở thành một thông lệ: tại các cuộc hội ngộ như ngày hôm nay, các nhà thơ thể hiện bằng một ngôn ngữ sống động – gõ vào bạc hoặc gỗ, mỗi người theo cách riêng của mình để chào đón bạn bè.

NERUDA. Nhưng hôm nay chúng tôi sẽ mời một thực khách đến dự cùng quí vị, người này không còn sống trên đời nữa, là một trong những người được ẩn trong bóng tối của cái chết, cái chết lớn nhất của tất cả các trường hợp tử vong, chúng tôi sẽ gọi ông là người góa vợ của cuộc đời, mà ông là một người chồng mẫu mực đã từng. Chúng ta sẽ ẩn mình trong cái bóng rực lửa của ông và bắt đầu lặp lại tên ông cho đến một khi ông xuất hiện trở lại từ quên lãng.

LORCA. Và sau đó chúng tôi – với sự dịu dàng của chim cánh cụt trước khi tỏ lòng kính trọng với nhà thơ tài hoa Amado Villar – sẽ ném cái tên vĩ đại này lên khăn trải bàn, chúng tôi biết rằng ly sẽ vỡ, dĩa sẽ nhảy trên bàn và bức tường biển sẽ sụp đổ trên chiếc khăn trải bàn này. Chúng tôi sẽ gọi tên nhà thơ của châu Mỹ và Tây Ban Nha: Rubén ... 

NERUDA. Dario, Bởi vì thưa các quý bà ...

LORCA ... và thưa các quý ông ...

NERUDA. Quảng trường Rubén Darío ở đâu tại Buenos Aires? 

LORCA. Tượng đài Rubén Darío nằm ở đâu?

NERUDA. Ông từng rất yêu công viên. Vậy thì công viên Rubén Darío nằm ở đâu?

LORCA. Cửa hàng hoa Rubén Darío ở đâu? 

NERUDA. Những cây táo ở đâu, những quả táo mang tên Rubén Darío ở đâu?

LORCA. Cánh tay của Rubén Darío bị chặt ở đâu?  

NERUDA. Dầu ở đâu, nhựa ở đâu, thiên nga được đặt tên theo Rubén Darío ở đâu rồi?

LORCA. Rubén Darío yên nghỉ tại “Nicaragua quê hương” của mình, dưới một con sư tử bằng đá cẩm thạch đáng sợ, giống như những người giàu có đặt ở cổng vào nhà của họ.

NERUDA. Một con sư tử từ cửa hàng dành cho người tạo ra sư tử, một con sư tử không quen thuộc với các ngôi sao dành cho người có quyền năng trao những ngôi sao cho người khác.

LORCA. Với một tính từ, ông có thể truyền tải tiếng ồn của Selva và, giống như Luis de Granada, chúa tể của ngôn ngữ, vươn lên tầm cao đầy sao với những bông hoa chanh, và với một con nai, với những động vật thân mềm đầy sợ hãi, ông dẫn chúng ta xuống biển trên những chiếc thuyền buồm và bóng tối ẩn trong con ngươi của chúng ta, tạo nên một đám rước rượu khổng lồ qua màu xám nhất của buổi tối mà bầu trời có. Như một nhà thơ lãng mạn, ông bị ngăn cách với những cơn gió nam và dựa vào vòm cột Corinto, hít thở sâu, nhìn thế giới với một sự nghi ngờ buồn bã và mỉa mai sống qua bao thời đại.

NERUDA. Cái tên màu đỏ của ông xứng đáng với tất cả mọi ký ức, xứng đáng với ký ức hành hạ trái tim ông, sự lang thang của ông trong tất cả các vòng địa ngục và lên đến những cung điện vinh quang – đấy là tất cả những gì đi kèm với nhà thơ vĩ đại, bây giờ và mãi mãi.

LORCA. Ông là nhà thơ Tây Ban Nha, ông là một bậc thầy của những bậc thầy già và vẫn còn rất trẻ ở Tây Ban Nha; ông là một người cố vấn phổ quát và hào phóng, điều mà các nhà thơ đương thời của chúng ta thiếu rất nhiều. Ông là người thầy của Valle Inclan và Juan Ramon Jimenez, người thầy của anh em Machado; giọng nói của ông là nước và muối tiêu trong lưỡi. Kể từ thời Rodrigo Caro, anh em nhà Argensolas hay don Juan Arguijo, người Tây Ban Nha đã không có một bữa tiệc như vậy, một cuộc đụng độ của các phụ âm, của ánh sáng và hình thức như trong thơ của Rubén Darío. Từ phong cảnh của Velázquez, lửa trại của Goya, từ sự u sầu của Quevedo và màu hồng trên má của các cô thôn nữ Mallorca – Darío đi trên vùng đất Tây Ban Nha như trên vùng đất thân thuộc của mình.  

NERUDA. Thủy triều, biển ấm ở phương bắc đã đưa ông đến bờ biển Chilê và để ông trên một bờ đá cứng, đại dương đánh vào ông và ngân vang bằng bọt biển và tiếng chuông của mình, và ngọn gió đen của Valparaíso lấp ông bằng muối. Hôm nay chúng ta hãy tạo ra một tượng đài cho ông từ gió bị khói và giọng nói xuyên qua, từ mọi thứ xung quanh chúng ta, từ cuộc sống, bởi vì những vần thơ tuyệt vời của ông từng vượt qua tiếng động và những giấc mơ. 

LORCA. Nhưng tôi muốn đổ máu của ông lên bức tượng bằng gió này, giống như một nhánh san hô nhảy nhót và múa may trên sóng, và bó dây thần kinh như chùm những tia sáng, và cái đầu của nhân ngưu, nơi mà tuyết Gongora được vẽ bằng đường bay của chim ong, một ánh nhìn thông qua hàng triệu giọt nước mắt, và cả những khiếm khuyết. Những kệ sách của ông có đầy những bông hoa tươi tốt, những khoảng lặng ngừng, có tiếng sáo hát, có những chai rượu cognac với sự say sưa đầy kịch tính, sự quyến rũ đầy mùi vị xấu xa và những lời nói thẳng thắn đáng xấu hổ này làm cho đám đông của thơ ông trở nên gần gũi với đời thường. Và bây giờ, vượt lên trên tất cả các chuẩn mực, vượt qua mọi hình thức và trường phái, khả năng sinh sôi nảy nở của thơ ông tiếp tục sống.

NERUDA. Federico García Lorca là người Tây Ban Nha, và tôi là người Chilê, trong vòng tay của anh em bè bạn, chúng tôi xin cúi đầu trước hình bóng vĩ đại, người đã từng hát cao hơn chúng tôi và giọng hát này đã từng ca ngợi đất nước Argentina, nơi mà chúng tôi đang có mặt ngày hôm nay.


LORCA. Pablo Neruda là người Chile, và tôi là người Tây Ban Nha, chúng ta có một ngôn ngữ chung và có chung một nhà thơ lớn của Nicaragua, của Argentina, của Chilê và của Tây Ban Nha – nhà thơ Rubén Darío vĩ đại.

NERUDA và LORCA. Chúng ta cùng nâng cốc chúc mừng vinh quang và danh dự của ông. 



** ** 

Tôi nhớ một ngày, tôi đột nhiên nhận được sự ủng hộ của Federico trong một cuộc phiêu lưu tình ái hoàn vũ. Một buổi tối, Federico và tôi đến thăm một triệu phú – một trong số những người chỉ có thể có ở Argentina và Hoa Kỳ. Đó là một người đàn ông nổi loạn và tự học, người đã tạo ra một tài sản lớn bằng một tờ báo chuyên đưa tin giật gân.Ngôi nhà của ông có một công viên rộng lớn bao quanh, là hiện thân những giấc mơ của một người giàu mới nổi.

Hàng trăm lồng chim trĩ đủ màu sắc từ tất cả các quốc gia treo dọc các lối đi. Thư viện chất đầy những cuốn sách cũ nhất mà chủ sở hữu đã mua bằng điện tín tại các cuộc đấu giá của các nhà thư tịch châu Âu, ngoài ra, nó rất lớn, có rất nhiều sách trong đó. Nhưng điều ngoạn mục nhất là sàn của phòng đọc khổng lồ này được bao phủ hoàn toàn bằng da báo được khâu lại với nhau để tạo thành một tấm thảm khổng lồ duy nhất. Tôi được biết rằng chủ sở hữu có các đại lý đặc biệt ở Châu Phi, Châu Á và Amazon, những người chỉ tham gia vào việc mua da của báo, đại bàng, những giống mèo quí hiếm, và bây giờ da của chúng lấp lánh dưới chân tôi trong thư viện tuyệt vời này. 

Đó là ngôi nhà của Natalio Botan nổi tiếng, một nhà tư bản có ảnh hưởng, người làm chủ dư luận xã hội ở thành phố Buenos Aires. Federico và tôi ngồi gần chủ nhà, đối diện với chúng tôi là một nữ thi sĩ có dáng người cao, mái tóc vàng, đôi mắt màu xanh của cô ấy nhìn tôi thường xuyên hơn nhiều so với Federico.  

Một con bò nướng nguyên con được phục vụ cho bữa tối, con bò được mang thẳng từ lò nướng khổng lồ, do tám hoặc mười người gáucho* khiêng trên một chiếc cáng lớn. Đêm thật xanh và đầy sao. Mùi thơm của thịt rang trên da, một phát minh siêu phàm của người Argentina, được hòa quyện trong không khí của đầm lầy, với mùi thơm của cỏ ba lá và bạc hà, với tiếng rì rào của hàng ngàn con dế và nòng nọc. 

Sau bữa tối, chúng tôi đứng dậy khỏi bàn – tôi cùng với nữ thi sĩ và Federico, người luôn vui vẻ và không ngừng cười. Chúng tôi di chuyển về phía hồ bơi được chiếu sáng. García Lorca đã ở phía trước, tiếp tục cười và nói chuyện. Anh cảm thấy hạnh phúc. Lorca là người như vậy. Hạnh phúc là làn da của anh.

Một tòa tháp vươn cao trên hồ bơi đầy ánh sáng. Dưới ánh đèn đêm tòa tháp tỏa sáng bằng vôi trắng.

Chúng tôi từ từ leo lên sân thượng của tòa tháp. Và ở đó, ba chúng tôi, những nhà thơ khác nhau về phong cách, cảm thấy mình đã tách khỏi thế giới. Bên dưới, con mắt xanh của hồ bơi lấp lánh. Chúng tôi vẫn còn nghe rõ tiếng guitar và những bài hát của bữa tiệc. Đêm ở phía trên chúng tôi, rất gần và đầy sao, đến nỗi có cảm giác dường như nó sắp áp đảo và nhấn chìm chúng tôi vào chiều sâu của nó.

Tôi ôm hôn cô gái tóc vàng cao lớn và tôi nhận ra rằng cô ấy là một người phụ nữ bằng xương bằng thịt, và xác thịt là cảm nhận được. Trước sự ngạc nhiên của Federico, chúng tôi nằm xuống sàn và tôi bắt đầu cởi quần áo của cô ấy, khi tôi bất chợt nhìn thấy phía trên chúng tôi, đôi mắt to lớn của Federico đang nhìn chăm chú, anh nhìn mà không dám tin những gì đang xảy ra.

- Ra khỏi đây đi! Đi canh cầu thang để không ai lên đây! – tôi hét lên với anh.

Và trong khi sự hiến sinh cho bầu trời đầy sao và nữ thần của tình yêu và sắc đẹp đang diễn ra trên tầng thượng của tòa tháp, Federico đã vui vẻ chạy đi để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó – làm một ma cô và một người canh gác – nhưng anh ấy đã vội vàng và rất không may mắn khi bị ngã xuống và đếm các bậc cầu thang. Bạn gái tôi và tôi – dù đã rất khó khăn – cũng phải đến giúp anh ấy. Đôi chân của anh khập khiễng trong suốt mười lăm ngày.

=
Chú thích những tên riêng trong bài:

* Rubén Darío (1867 – 1916) – nhà thơ Mỹ Latinh đầu tiên nổi tiếng thế giới, một trong những đại diện nổi bật nhất của chủ nghĩa hiện đại trong văn học Tây Ban Nha.
*Luis de Granada (1504 – 1588) – Nhà thần học người Tây Ban Nha 
*Ramón María del Valle-Inclán (1866 – 1936) – Nhà văn Tây Ban Nha 
*Juan Ramón Jiménez (1881 – 1958) – Nhà thơ Tây Ban Nha đoạt giải Nobel Văn học năm 1956 
*Rodrigo Caro (1573 – 1647) – Nhà bác học, nhà thơ Tây Ban Nha
*Gáucho – những người giống như cao bồi ở Mỹ




Sức mạnh của thơ ca

Trong thời đại chúng ta, với tất cả các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, những biến động xã hội lớn, có một sự phong phú chưa từng thấy của thơ ca. Bất kỳ người nào cũng va chạm với thơ khiến anh ta bị tổn thương hoặc làm người khác tổn thương, ở khắp mọi nơi – trong sự cô độc hoặc ở nơi công cộng.

Khi viết ra những cuốn sách đầu tiên, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ đọc những bài thơ của mình ở quảng trường và đường phố, trong các nhà máy và công viên, trong các hội trường và nhà hát. Tôi đã đến thăm tất cả mọi vùng miền của Chilê, phân phát thơ của tôi cho mọi người dân của tôi, những người bình thường nhất. 

Bây giờ tôi sẽ nói về những gì đã xảy ra với tôi ở khu chợ lớn nhất và đông dân nhất ở Santiago – chợ Vega Central. 

Vào buổi bình minh, vô vàn những chiếc xe tải, xe đẩy, xe kéo mang trái cây, hàng hóa đủ loại từ các trang trại xung quanh thủ đô về chợ. Đội quân khuân vác là những người được trả lương thấp và họ thường đi chân đất – tụ tập ở những quán cà phê giá rẻ, những nhà nghỉ và các quán ăn rẻ tiền trong các khu phố gần La Vega.

Một hôm có một người lạ mặt đến đón tôi. Tôi ngồi vào xe của người này mà không thực sự hiểu họ đưa tôi đi đâu và để làm gì. Trong túi tôi lúc đó có cuốn sách “Tây Ban Nha trong tim”. Trên đường đi, người ta nói với tôi rằng tôi sẽ nói chuyện với những người thợ bốc vác tại cuộc gặp do công đoàn của họ tổ chức.

Khi bước vào căn phòng tồi tàn đổ nát, tôi cảm thấy cái lạnh buốt giá được mô tả trong “Nocturno” của Jose Asuncion Silva, không chỉ vì lúc đó là giữa mùa đông, mà còn từ bức tranh xuất hiện trước mắt tôi. Chừng năm mươi đến sáu mươi người ngồi trên những chiếc thùng và những chiếc ghế kê tạm trước mặt tôi. Một số người có đeo những chiếc túi như tạp dề, những người khác mặc áo vá cũ kỹ và một số những người khác thì trần truồng đến tận thắt lưng, như thể họ không quan tâm gì đến cái lạnh ở đất nước chúng tôi vào tháng Bảy. Tôi ngồi vào cái bàn ngăn cách tôi với những khán giả có những đôi mắt màu đen như than, những đôi mắt nhìn chăm chú của những người dân nước tôi.

Tôi nhớ Lafertte già nua từng đặt tên cho những khán giả mà trên khuôn mặt không có một mạch máu nào dao động như thế này. Một lần, khi chúng tôi đến Pampa salitrera, anh ấy nói: “Xem kìa, từ giữa phòng có hai người Hồi giáo đang nhìn rất chăm chú. Họ cần những chiếc áo choàng để cho giống với các tín đồ của sa mạc”. 

Biết làm gì với những khán giả này? Biết nói về cái gì? Và những gì từ cuộc sống của tôi có thể khiến họ quan tâm? Vì vậy, không cần phải nghĩ ra bất cứ điều gì hợp lý, với khó khăn để kìm nén mong muốn chạy trốn, tôi đột nhiên rút ra một cuốn sách và nói:

- Cách đây chưa lâu tôi đã ở Tây Ban Nha. Có nhiều trận đánh và đạn pháo nổ triền miên. Các bạn hãy lắng nghe những gì tôi đã viết về nó!

Tôi phải nói rằng tôi chưa bao giờ coi cuốn “Tây Ban Nha trong tim” của mình là một cuốn sách dễ đọc. Chắc chắn có một mong muốn cho sự rõ ràng trong đó, nhưng nó được đắm chìm trong một vòng xoáy của những nỗi đau khổ sâu sắc và nhiều mặt.

Lúc đầu tôi nghĩ sẽ đọc một vài bài thơ, nói một vài lời rồi tạm biệt. Nhưng mọi thứ đã đi không xảy ra như vậy. Tôi đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác, khi tôi cảm thấy sự im lặng như dòng nước sâu trong đó lời nói của tôi rơi xuống, khi tôi thấy những đôi mắt đen đó nhìn tôi như thế nào, tôi hiểu rằng cuốn sách của tôi đã đến đúng địa chỉ. Tôi đọc và đọc, bị mê hoặc bởi âm thanh của thơ ca, bị sốc bởi mối liên hệ từ tính nảy sinh giữa những bài thơ của tôi và những con người bị thần linh chối bỏ này.

Tôi đọc thơ hơn một tiếng đồng hồ và khi tôi chuẩn bị ra đi, một trong những người thợ bốc vác đứng dậy, người này có một bao tải được buộc quanh như cái tạp dề.

- Tôi muốn thay mặt mọi người ở đây cảm ơn anh – giọng của người này rất to – tôi muốn nói rằng chưa bao giờ có ai từng chạm vào tâm hồn chúng tôi mạnh mẽ như vậy.

Nói xong, người này bật khóc nức nở. Tiếp theo, những người khác cũng bật khóc. Tôi đi ra ngoài giữa vẻ ướt át và những cái bắt tay mạnh mẽ, thô ráp. Một nhà thơ có thể giữ nguyên như vậy sau khi anh ta đã trải qua cơn lạnh và lửa nóng được không?




Khi tôi muốn nhớ về Tina Modotti, tôi phải thực hiện một nỗ lực như thể cố gắng để nhặt một nắm sương mù. Mong manh, gần như vô hình. Tôi có biết cô ấy hay không biết cô ấy?

Cô vẫn rất xinh đẹp – khuôn mặt trái xoan nhợt nhạt trong khung tóc đen, đôi mắt nhung đen to vẫn nhìn qua năm tháng. Diego Rivera miêu tả cô trên một trong những tấm tranh treo tường của anh trong quầng sáng của một vòng hoa lá được sao chép từ ngô.

Nhà cách mạng người Ý này, một nhiếp ảnh gia tuyệt vời, đã đến Liên Xô để chụp ảnh những con người và những tượng đài nghệ thuật. Nhưng bị cuốn hút bởi nhịp điệu nhanh chóng của sự sáng tạo xã hội chủ nghĩa, cô đã ném máy ảnh xuống sông Moskva và thề sẽ cống hiến cuộc đời mình cho những công việc khiêm tốn nhất của Đảng cộng sản. Tôi đã gặp Tina ở Mexico, nơi cô ấy thành thật thực hiện lời thề của mình, và đã tiếc thương cô trong cái đêm khi cô ấy chết.

Chuyện xảy ra vào năm 1941. Chồng cô là Vittorio Vidale – là chỉ huy trưởng nổi tiếng Carlos của Trung đoàn 5. Tina Modotti chết vì một cơn đau tim trong một chiếc taxi trên đường về nhà. Tina biết mình bị bệnh tim nhưng cô im lặng, sợ rằng mình sẽ bị loại khỏi công việc cách mạng. Tina luôn sẵn sàng làm những gì mà những người khác tránh – dọn dẹp phòng ốc, đi bộ đến nơi xa xôi nhất, viết thư hoặc dịch bài suốt đêm. Trong Chiến tranh Tây Ban Nha, cô là một y tá chăm sóc những người Cộng hòa bị thương.

Trong cuộc đời cô, khi cô là bạn gái của nhà cách mạng nổi tiếng người Cuba Julio Antonio Mella, bị đày đến Mexico, một thảm kịch khủng khiếp đã xảy ra. Bạo chúa của Cuba, Gerardo Machado, đã phái bọn cướp từ Havana, lệnh cho chúng giết chết nhà lãnh đạo cách mạng của thanh niên. Và vào một buổi tối, khi Mella tay trong tay với Tina Modotti rời rạp chiếu phim, chúng đã bắn anh ta bằng một loạt đạn từ súng tiểu liên. Mella đã gục ngã. Tina cũng ngã xuống trong vũng máu của người bạn bị sát hại. Trong khi đó, những kẻ ám sát có sự bao che đã dễ dàng trốn thoát. Sau đó các quan chức cảnh sát bao che tội phạm đã đổ lỗi cho Tina Modotti về vụ giết người. 

Mười hai năm sau sức lực của Tina đã dần cạn kiệt và cô đã ra đi. Các thế lực phản động của Mexico đã quay trở lại vu khống và tạo ra bầu không khí bê bối xung quanh cái chết của cô, theo cách của ngày xưa khi họ muốn chứng minh rằng cô có liên quan đến vụ giết Mella. Carlos và tôi ngồi im lặng bên ngôi quan tài. Thật khó khăn chứng kiến người đàn ông mạnh mẽ và can đảm như vậy phải chịu đựng như thế nào. Vết thương hở của anh đang bị gặm nhấm bởi chất độc của những lời nói dối hèn hạ xấu xa về cái tên của Tina Modotti, giờ đã chết. Chỉ huy trưởng Carlos nổi cơn thịnh nộ, đôi mắt anh ta bừng lên, và tôi, bất lực trước nỗi đau của con người tràn ngập căn phòng, lặng lẽ nhìn tượng sáp Tina trong một chiếc quan tài nhỏ.

Các trang báo được lấp đầy với những điều bịa đặt bẩn thỉu. Người ta gọi Tina là “người phụ nữ bí ẩn đến từ Moscow”. Một số người nói thêm: “Cô ấy chết vì biết quá nhiều”. Cảnh Carlos đau khổ dữ dội làm tôi quyết định viết một bài thơ – một lời quở trách đối với những người đã làm hoen ố danh tiếng của Tina. Tôi đã ngay lập tức gửi bài thơ đến tất cả các tờ báo với rất ít hy vọng rằng nó sẽ được xuất bản. Nhưng thật là một phép màu! Ngày hôm sau, thay vì những tiết lộ mới về vụ án như đã hứa ngày hôm trước, một bài thơ đầy phẫn nộ và đau thương đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo.

Bài thơ có tựa đề “Tina Modotti đã chết”. Tôi đọc nó vào buổi sáng hôm đó tại nghĩa trang của thủ đô Mexico, nơi chúng tôi mai táng Tina và nơi cô mãi mãi nằm dưới một tảng đá granit của Mexico. Trên hòn đá đó khổ thơ của tôi được khắc.

Kể từ đó, các tờ báo không đăng một dòng nào xúc phạm đến ký ức của Tina Modotti nữa. 

Tiếp đó là Lota nhiều năm về trước. Khoảng mười nghìn thợ mỏ đã tập trung tại một cuộc biểu tình. Quảng trường chính của thành phố Plaza de Lota chứa đầy những người khai thác than, nơi tình trạng bất ổn do nghèo đói gây ra. Các diễn giả chính trị đã nói chuyện trong một thời gian dài. Mùi than và muối biển bay lơ lửng trong không khí nóng bức giữa trưa. Gần đó là đại dương, và dưới độ dày của nó trong hơn mười km trải dài một hành lang ảm đạm, nơi mọi người khai thác than. 

Bây giờ người ta đang lắng nghe bài phát biểu dưới ánh mặt trời chói mắt. Từ một bục cao, một biển mũ đen và mũ bảo hiểm của thợ mỏ mở ra trước mắt tôi. Tôi là người phát biểu sau cùng. Khi người ta nói rằng tôi sẽ đọc bài thơ “Bản tình ca mới cho Stalingrad” của tôi thì có một điều gì đó tuyệt vời đã xảy ra, một kiểu hành động nghi thức đã in sâu trong trí nhớ của tôi.

Ngay khi tên tôi và tên bài thơ của tôi được xướng lên thì muôn người như một, lặng lẽ ngẩng cao đầu. Họ ngẩng cao đầu vì sau những bài diễn văn chính trị khô khan thì đến lúc thơ ca phải lên tiếng. Từ cái bục cao, tôi thấy mười ngàn bàn tay trồi lên và rơi xuống, theo một cuộn sóng chưa từng thấy, tiếng thổi của biển lặng, bọt đen của sự tôn kính âm thầm.

Và khi đó những bài thơ của tôi trở nên mạnh mẽ hơn trong lời kêu gọi đấu tranh và giải phóng, chúng đã tìm thấy một sức mạnh mới.

Điều này khác xảy ra với tôi trong những năm tuổi trẻ. Tôi là nhà thơ như mọi nhà thơ sinh viên thời đó với chiếc áo khoác tối màu, gầy và suy dinh dưỡng. Tôi vừa xuất bản cuốn “Hoàng hôn” và cân nặng không bằng một chiếc lông con quạ.

Một lần, tôi và một số người bạn tôi đến một quán rượu với nhiều tiếng xấu. Đó là một thời của những điệu tango và những cuộc ẩu chiến ồn ào. Đột nhiên, âm nhạc dừng lại và tango tan vỡ như thủy tinh, bắn vào tường.

Ở giữa khu vực khiêu vũ có hai kẻ cãi lộn và chèo kéo nhau hét lên. Khi một người đến gần người kia thì anh ta lùi lại và với anh ta, khán giả cuồng nhiệt cố giấu anh ta trốn đằng sau những chiếc bàn bị lật. Tất cả trông giống như một điệu nhảy của hai con thú nguyên thủy trong một khu rừng nguyên sinh.

Không chút do dự, tôi đã tiến một bước về phía trước và lên tiếng:

-Này, đồ khốn nạn, những con thú điên, hãy để mọi người đến đây được nhảy múa lặng yên chứ không phải đến để xem trò hề của các người.

Họ nhìn nhau ngạc nhiên như thể không tin vào tai mình. Người thấp hơn – trước khi trở thành một tên côn đồ, anh ta là một võ sĩ chuyên nghiệp – tiến về phía tôi, rõ ràng có ý định đánh chết tôi. Chuyện sẽ xảy ra nếu anh ta không ngã xuống sàn ngay lúc đó từ một cú đấm chính xác của đối thủ.

Khi nhà vô địch bị đánh bại, giống như một bịch khoai tây bị kéo ra khỏi hội trường, từ nhiều bàn người ta gửi cho chúng tôi những chai rượu. Các vũ công đã mỉm cười với chúng tôi. Một người cao lớn đã quay lại rằng anh ta đã giáng đòn cuối cùng vào kẻ thù và quả quyết rằng anh ta cũng có quyền chia sẻ niềm vui chiến thắng của chúng tôi. Nhưng tôi nói gay gắt:

-Cút khỏi đây ngay. Mày với nó cũng là một băng đảng cả. 

Tuy nhiên, niềm vui của tôi không được lâu. Đi qua một hành lang hẹp, chúng tôi đã thấy ở lối ra vào một số những người rất cao lớn chặn đường đi. Trong số này tôi ngay lập tức nhận ra một người đã tham gia vào cuộc ẩu đả. Anh ta chặn chúng tôi ở lối ra để trả thù.

-Tôi đang chờ bạn đấy – anh ta nói và đẩy tôi sang một bên. Những người bạn đồng hành đã để tôi một mình với tên đao phủ. Tôi đã đưa mắt tìm kiếm để tìm bất cứ thứ gì có thể tự bảo vệ mình. Không có gì cả. Tuyệt đối không có gì –  những phiến đá cẩm thạch hay khung bàn bằng sắt thì không nhấc nổi. Dù chỉ là một cái bình nào đó, hoặc một cái chai, hoặc một cây gậy bị bỏ quên. Không có gì cả...  

- Chúng ta nói chuyện nhé? Anh ta hỏi.

Tôi nhận ra rằng tất cả những nỗ lực của tôi sẽ là vô ích. Anh ta nhìn tôi giễu cợt và trông giống như một con hổ mà trước mặt là một con nai. Điều quan trọng là không được tỏ ra sợ hãi, tôi cũng đẩy anh ta ra, nhưng anh ta không hề nhúc nhích. Không phải là một người đàn ông, mà là một bức tường đá.

Đột nhiên anh ta quay đầu lại, và cơn thịnh nộ trong mắt anh ta biến mất.

-Anh có phải là nhà thơ Pablo Neruda không? Anh ta hỏi.

- Vâng, chính là tôi.

Anh ta cúi đầu và kêu lên:

-Ồ, tại sao tôi lại không may mắn! Gặp gỡ nhà thơ yêu dấu của tôi, để anh ấy nói với tôi rằng tôi là một thằng ngốc!

Anh ta ôm đầu và nói vội vàng:

Tôi là một thằng khốn nạn thực sự và kẻ đánh nhau với tôi là một tên buôn bán cocaine. Cả hai chúng tôi đều là những kẻ dưới đáy của xã hội. Trong cuộc đời tôi chỉ có một điều tốt đẹp – đấy là cô người yêu của tôi và tình yêu của cô ấy. Hãy nhìn xem, Don Pablito, đây là hình ảnh của cô ấy. Nếu tôi nói với cô ấy rằng anh đã giữ bức ảnh này trong tay mình thì cô ấy sẽ hạnh phúc không thể tả. 

Anh ta đưa cho tôi bức hình của một cô gái đang cười.

-Cô ấy yêu tôi vì anh đấy, Don Pablito, vì những bài thơ của anh mà chúng tôi nhớ thuộc lòng.

Và đột nhiên anh ta bắt đầu đọc:

Từ trong sâu thẳm nhìn vào mắt em
Những ước mơ chưa trở thành hiện thực… 

Ngay lúc đó, có tiếng cánh cửa xe bật mở và tôi thấy những người bạn của mình xuất hiện. Tôi nhìn quanh những khuôn mặt sững sờ của họ và tôi từ từ bước ra đường. Người đàn ông đó vẫn ở trong hành lang, và sau lưng tôi những lời thơ lại vang lên:

Vì cuộc đời này mà ta đem hoà nhập
Cuộc đời của anh và của em.

Lần này anh ta bị thơ ca đánh bại. 

Chiếc máy bay do phi công Powers điều khiển, bay với một nhiệm vụ gián điệp trên đất Liên Xô, đã rơi từ một độ cao đáng kinh ngạc. Hai quả tên lửa đã đánh gục anh ta từ những đám mây. Các nhà báo ngay lập tức chạy đến nơi xa xôi khuất trong lòng núi, từ đó những phát súng chính xác được bắn ra.

Các xạ thủ là hai chàng trai cô đơn. Trong thế giới rộng lớn của cây linh sam và tuyết, họ ăn táo, chơi cờ, chơi đàn phong cầm, họ đọc sách và luôn cảnh giác. Họ nhắm bắn chính xác để bảo vệ bầu trời rộng lớn của quê hương Nga.

Người ta đã hỏi họ những câu hỏi:
- Bạn thích những đồ ăn gì? Bố mẹ của bạn là ai? Bạn có thích khiêu vũ không? Bạn đọc những cuốn sách nào?

Trả lời câu hỏi cuối cùng này, một trong những người lính trả lời rằng anh ta thích đọc thơ, và nói thêm rằng các nhà thơ yêu thích nhất của anh ta là Pushkin và Pablo Neruda người Chilê. 

Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi biết điều đó. Quả tên lửa kia đã bay lên rất cao và đã khiến cho niềm kiêu hãnh giảm xuống rất thấp, theo một cách nào đó là một nguyên tử của thơ ca luôn cháy bỏng trong tôi. 

==
Những tên riêng trong bài:

*Tina Modotti (1896 – 1942) – là nhiếp ảnh gia, người mẫu, diễn viên và nhà hoạt động chính trị cách mạng người Ý
*Gerardo Machado (1871 – 1939) – Tổng thống Cuba từ năm 1925 đến năm 1933 
*Pampa salitrera – là một vùng sa mạc ở phía bắc Chilê   
*José Asunción Silva (1865 – 1896) – Nhà thơ Colombia
*Elías Lafertte (1886 – 1961) – Thủ lĩnh của Phong trào công nhân Chilê, một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Chilê
*Julio Antonio Mella (1903 – 1929) – Nhà cách mạng Cuba, lãnh đạo phong trào sinh viên, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba
*Don Pablito – một cách gọi khác của Don Pablo 

*Một số câu trong bài thơ “Farewell” của Pablo Neruda đã có bản dịch tiếng Việt




Matilde Urrutia, vợ tôi

Vợ tôi là người tỉnh lẻ, giống như tôi. Cô sinh ra ở thành phố Chillán phía nam Chile, nơi nổi tiếng với gốm sứ dân gian và nổi tiếng đau thương với những trận động đất khủng khiếp. Tất cả những gì tôi có thể nói về Matilda đã có trong cuốn sách của tôi: “Một trăm bài sonnet về tình yêu” (Cien sonetos de amor). Có lẽ những bài thơ này đã thể hiện rằng nàng có ý nghĩa đối với tôi. Trái đất và cuộc sống đã đưa chúng tôi đến với nhau.

Và mặc dù điều này ít được ai quan tâm – chúng tôi là những người hạnh phúc. Một phần lớn thời gian chúng tôi đã sống trên bờ biển hoang vắng của Chilê. Và không phải vào mùa hè khi vùng đất khô nắng chuyển sang màu vàng, như trong sa mạc, mà vào mùa đông, khi mưa và lạnh, và trong những bông hoa lạ lùng, mọi thứ đều có màu xanh lá cây và vàng, màu xanh và đỏ thẫm. Sau đó chúng tôi chia tay đại dương hoang dã và cô đơn của mình để đi đến một thành phố bận rộn –Santiago, nơi khó khăn cho cả hai chúng tôi, nơi chúng tôi tham gia vào cuộc sống phức tạp của những người khác. 

Matilde có một giọng hát khỏe và cô ấy hát những bài hát phổ theo những bài thơ của tôi. Tôi dành cho cô ấy tất cả những gì tôi viết, và tất cả những gì tôi có. Không thật nhiều, nhưng cô ấy hạnh phúc.

Bây giờ cô ấy đang ở trong vườn, và tôi thấy đôi giày nhỏ của cô ấy chìm trong đất mềm. Và bây giờ bàn tay nhỏ bé của cô chìm sâu vào bụi cây mọc um tùm. Từ mặt đất, mắt và giọng nói của nàng, tay và chân của nàng. Chúng mang đến cho tôi tất cả những gốc rễ, tất cả những bông hoa, tất cả những cội nguồn của niềm hạnh phúc. 




Quasimodo 

Vùng đất Ý giữ trong lòng mẹ tiếng nói thuần khiết của các nhà thơ cổ đại. Khi tôi đi qua đồng cỏ của nó, khi tôi lang thang qua các công viên của nó, nơi nước lấp lánh, khi tôi đi dọc theo bờ cát của một đại dương nhỏ màu xanh, đối với tôi, đó là vật chất nguyên thủy của kim cương, kho chứa bí mật của tinh thể – tất cả sự tỏa sáng trong nhiều thế kỷ. Nước Ý đã mang lại hình thức thơ châu Âu, âm thanh, sự tao nhã và xung lực; giải thoát thơ châu Âu khỏi sự đồng đều, khỏi sự vụng về được bao phủ bởi áo giáp quân sự và áo choàng thô ráp. Ánh sáng của nước Ý đã biến những rắc rối của những người hát rong và những dụng cụ bằng sắt của sử thi anh hùng thành một dòng nước cao bằng kim cương đánh bóng.

Chúng tôi, những nhà thơ chỉ mới làm quen với văn hóa chưa lâu, những nhà thơ đến từ các quốc gia nơi các tuyển tập được mở ra bằng những bài thơ của thập niên tám mươi của thế kỷ trước, đã bị ấn tượng bởi những ngày tháng trong các tập thơ Ý – năm 1230, năm 1310, năm 1450, và trong số đó –, độ sâu và độ chính xác của thơ Dante Alighieri, Cavalcanti, Petrarca, Poliziano.

Những nhà thơ này đã ban tặng ánh sáng Firenze cho Garcilaso de la Vega dịu dàng và mạnh mẽ của chúng ta, cho Boscan nhân từ, chiếu sáng cho Gongora, nhuốm màu u sầu cho thơ của Quevedo, đúc khuôn cho thơ sonnet của Shakespeare và đốt lên nguồn cảm hứng thơ mộng của nước Pháp, nơi hoa hồng của Ronsard và Du Bellay nở rộ. Nói tóm lại, thật khó để trở thành một nhà thơ đối với một người sinh ra ở nước Ý – anh ta là người thừa kế toàn bộ bầu hoàn vũ có những vì sao thơ chói sáng.

Tôi đã biết Salvatore Quasimodo từ lâu và tôi có thể nói rằng thơ ông thấm nhuần ý thức về bổn phận, dường như đối với chúng tôi là một ảo cảnh (phantasmagoria), một gánh nặng lớn. Quasimodo là một người châu Âu, thực sự sở hữu kiến thức, ý thức về mức độ cũng như toàn bộ kho trí tuệ của loài người. Và mặc dù ông, một người Ý đến từ trung tâm nước Ý, trở thành nhân vật chính, người bảo vệ chủ nghĩa cổ điển, ông đã không trở thành tù nhân của pháo đài chính mình. 

Quasimodo là một nhà thơ toàn diện, ông không phân chia thế giới thành Tây và Đông, ông coi đó là nhiệm vụ cao nhất của một người hiện đại để xóa bỏ biên giới, sự phân chia văn hóa thế giới, bảo vệ thơ ca, tự do, chân lý và niềm vui như là một phước lành.

Ở Quasimodo, màu sắc và âm thanh của một thế giới thanh thản u sầu hòa quyện vào nhau. Nhưng nỗi buồn của ông không phải là sự nghi ngờ vô vọng của Leopardi, mà là sự tập trung khẳng định cuộc sống của vùng đất buổi tối, sự tốt lành buổi tối của thiên nhiên, khi tất cả mùi hương, giọng nói, màu sắc và tiếng chuông vang lên bảo vệ những nỗ lực của những hạt giống gieo sâu nhất. Tôi yêu âm tiết tập trung của nhà thơ vĩ đại này, sự nghiêm khắc cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn của ông, tôi ngưỡng mộ sự độc đáo của ông trong sự chuyển động vĩnh cửu của cái đẹp, và ông biết cách biến mọi thứ thành thơ ca chân thực và sâu sắc.   

Tôi giơ một vòng hoa lá thơm của Araucanía lên trên đại dương, trên khoảng cách chia cắt chúng ta – hãy để nó được gió và cuộc sống đón nhận, hãy để nó trang trí vầng trán của Salvatore Quasimodo. Đây không phải là vương miện nguyệt quế Apollo mà chúng ta đã thấy hơn một lần trên những bức chân dung của Francesco Petrarca. Vòng hoa này là một món quà của những khu rừng hoang vắng của chúng tôi, nó được làm từ những chiếc lá không tên được rắc sương sớm của những buổi bình minh Chilê.   
== =
Chú thích những tên riêng được nhắc đến trong bài viết:

*Guido Cavalcanti (1259 – 1300) – Nhà thơ Ý 
*Poliziano (1454 – 1494) – Nhà thơ Ý 
*Francesco Petrarca (1304 – 1374) – Nhà thơ Ý
*Dante Alighieri (1265 – 1321) – Nhà thơ Ý
*Garcilaso de la Vega (1501 – 1536) – Nhà thơ Tây Ban Nha 
*Juan Boscán Almogáver (1490 – 1542) – Nhà thơ Tây Ban Nha 
*Francisco de Quevedo (1580 – 1645) – Nhà thơ Tây Ban Nha
*Luis de Góngora (1561 – 1627) – Nhà thơ Tây Ban Nha 
*Joachim Du Bellay (1522 – 1560) – Nhà thơ Pháp
*Pierre de Ronsard (1524 – 1585) – Nhà thơ Pháp 
*William Shakespeare (1564- 1616) – Nhà thơ Anh
*Giacomo Leopardi (1798 – 1837) – Nhà thơ Ý




Gabriela Mistral 

Tôi đã nói rằng tôi đã làm quen với Gabriela Mistral ở thành phố Temuco quê hương của tôi. Gabriela đã chia tay mãi mãi với thành phố này. Khi tôi nhìn thấy chị lần đầu tiên, Gabriela đã đi được nửa cuộc đời gian khổ của mình và vẻ ngoài trông giống như một nữ tu hành với một trật tự nghiêm ngặt.

Ở thành phố Temuco của chúng tôi, chị đã viết trường ca về đứa con trai của mình. Chị viết bằng một thứ văn xuôi có vần điệu tinh tế và cảm động của thơ ca. Trong trường ca về đứa con trai, chị, một người phụ nữ chưa bao giờ lập gia đình, nói về việc mang thai, sinh con, về sự chăm sóc con của người mẹ. Thế là khắp thành phố rộ lên những tin đồn rằng có một cái gì đó vô lý, ngây thơ và thô lỗ, và có lẽ, chị đã bị tổn thương bởi những điều thị phi của cư dân Temuco, – tôi biết những kẻ ngổ ngáo, xấc xược bằng ngôn ngữ của những người đốn gỗ và những công nhân đường sắt gọi bánh mì là bánh mì và rượu vang là rượu vang. 

Gabriela bị xúc phạm và chị đã không quên sự xúc phạm này cho đến ngày xuống mộ.

Nhiều năm sau chị đã viết lời giới thiệu cho lần in đầu của một cuốn sách, trong đó có nhắc đến những gì người ta đã nói về chị, những gì người ta đã xì xào ở vùng đồi núi bên mép rìa của thế giới.

Khi Gabriela Mistral đăng quang với giải Nobel, trở về từ châu Âu, chị phải đi qua Temuco. Mỗi ngày có nhiều trường học ra chờ đón chị. Các em học sinh đội mưa đi ra nhà ga ôm những bó Copihue (hoa chuông) ướt run rẩy. Copihue là loài hoa của miền nam Chile, loài hoa đẹp và hoang dã của vùng đất Araucanía bất khuất. Nhưng mọi sự chờ đợi đã vô ích. Gabriela đi qua thành phố vào ban đêm, chị đã chọn chuyến tàu thường chỉ để không phải nhận hoa của Temuco.

Tất cả là như vậy. Nhưng liệu điều này có phải là nói xấu về Gabriela Mistral? Tuyệt nhiên không. Điều này cho thấy rằng có những vết thương trong sâu thẳm của tâm hồn nữ thi sĩ không thể chữa lành, không thể thành sẹo. Điều này nói rằng trong tâm hồn của nữ thi sĩ lớn có một sự đối lập như trong tất cả tâm hồn của mọi con người – thương và giận. 

Đối với tôi Gabriela luôn luôn có một nụ cười rộng mở thân thiện – hàm răng trắng, hệt như một vệt đau khổ trên gương mặt, như chiếc bánh mì đen. 

Thứ kim loại quí là như vậy, những hợp chất nào được nung chảy trong lò sáng tạo của chị? Giọng thơ đau buồn của chị được sinh ra từ những bí ẩn nào? 

Tôi sẽ không đi tìm câu trả lời, vì tin chắc là sẽ không tìm thấy nó, mà giá như tìm thấy, tôi sẽ không nói về điều này.

Tháng chín lại về và hoa Hues lại nở. Cả mặt đất như được phủ những gợn sóng màu vàng. Còn trên bờ đại dương suốt bốn ngày đêm cơn gió nam không ngừng cơn thịnh nộ. Đại dương trải một màu thủy tinh xanh và màu titan trắng xóa.

Chị hãy đến với chúng tôi, Gabriela, người con gái thân yêu của những nàng Hues Chile, của những bờ vách đá, của những ngọn gió đại dương. Chúng tôi sẽ đón chào chị với niềm vui sướng hân hoan. Sẽ không một ai quên những dòng thơ của chị đã ngợi ca những bụi cây gai và tuyết của Chilê. Chị là người con gái của Chilê. Chị thuộc về nhân dân. Sẽ không ai quên những dòng thơ của chị về những cậu bé chân trần. Không một ai quên “Lời nguyền” của chị. Chị luôn luôn bảo vệ thế giới. Vì điều này và vì những điều khác nữa mà chúng tôi yêu mến chị.

Chị hãy quay về với những bụi gai của Tổ quốc Chilê yêu thương. Và tôi chào đón chị bằng những lời tốt đẹp, những lời sự thật, những lời khắc nghiệt và nở hoa, tương xứng với sự vĩ đại của một giọng thơ và với tình cảm không cách biệt giữa chúng ta. Những chiếc cổng chào được xây bằng đá và được kết bằng hoa sẽ cúi mình chào đón chị. Và con tim này sẽ không có gì thân thiết hơn khi được nhìn nụ cười rộng mở của chị với đất đai quê hương, nơi vẫn hát ca và nở hoa tươi tốt, một khi nhân dân mình còn gieo trồng trên đó.

Tôi xin chia sẻ với chị cái bản chất và sự thật được kính trọng nhờ giọng nói và công việc của chúng ta. Xin hãy để con tim kỳ diệu của chị yên giấc nghìn thu, con tim này vẫn sống, vẫn đấu tranh và sáng tạo trên mảnh đất mà dãy Andes và đại dương ngăn cách khỏi thế giới. Xin hôn lên vầng trán cao thượng và cúi mình trước nguồn thơ vô tận của chị. 
_______________
*Copihue – là tên gọi loài hoa từ một truyền thuyết cảm động về đôi tình nhân: Copih và Hues. Copihue (tên khoa học: Lapageria rosea) là Quốc hoa của Chilê. 




Những kẻ thù văn học của tôi

Tôi nghĩ rằng những xung đột, cả lớn và nhỏ, đã xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra giữa các nhà văn ở tất cả các nơi trên thế giới.

Lịch sử văn học trên trái đất của chúng ta có rất nhiều vụ tự tử. Ở nước Nga cách mạng, Mayakovsky tự bắn mình, ông bị đầu độc bởi những người ghen tị.

Những cuộc giao tranh văn học nhỏ nhặt leo thang trên vùng đất Mỹ Latinh thành sự thù địch không thể hòa giải. Và sự đố kị thường trở thành một nghề. Người ta nói rằng cảm giác này được chúng ta thừa hưởng từ thời thuộc địa của Tây Ban Nha. Chúng ta thường tìm thấy ở Quevedo, Lope và Gongora những vết thương mà họ gây ra cho nhau. Thời đại hoàng kim với sự trỗi dậy tuyệt vời của trí tuệ con người là một thời đại bất hạnh, nạn đói đang lang thang khắp các cung điện của nó. 

Trong những năm gần đây, tiểu thuyết Mỹ Latinh đã đạt được những chiều kích mới. Ở mọi nơi và mọi nơi chúng ta gặp tên của Gabriel García Márquez, Juan Rulfo, Vargas Llosa, Ernesto Sabato, Julio Cortazar, Carlos Fuentes, nhà văn người Chile Jose Donoso. Thành công của họ được mệnh danh là “sự bùng nổ của Mỹ Latinh”. Nhưng một số người nói rằng những nhà văn này đang tham gia vào việc tự quảng cáo.

Tôi quen với hầu hết tất cả các nhà văn này, và theo tôi, tất cả họ đều trở nên khác biệt bằng sự khỏe mạnh và sự hào phóng tâm hồn. Càng ngày tôi càng cảm thấy rõ ràng hơn rằng một số người trong số họ phải rời bỏ quê hương để làm việc lặng lẽ, tránh xa xung đột chính trị và sự ghen tị. Những nhà văn này đã làm đúng: ở vùng đất xa lạ, họ đã viết ra những cuốn sách hay và cần thiết nhất về sự thật và giấc mơ của châu Mỹ chúng ta. 

Tôi không dám nói ngay về những va chạm của mình với sự ghen tị cực độ của con người. Tôi sẽ không muốn giống như một kẻ ích kỷ tự ái, chỉ tập trung vào chính mình. Tuy nhiên, tôi đã gặp rất nhiều những kẻ như vậy, những người ghen tị đầy màu sắc như vậy, rằng việc giữ im lặng là một tội lỗi.

Từng xảy ra rằng những người ghen tị rất tức giận với tôi. Mặc dù trên thực tế, dù chính họ không muốn, đã tham gia tuyên truyền những bài thơ của tôi như thể họ phục vụ trong văn phòng quảng cáo cho tên tuổi của tôi.

Cái chết bi thảm của một trong những kẻ thù đen tối nhất của tôi đã tạo ra một khoảng trống trong cuộc đời tôi. Người đàn ông này đã chiến đấu với tôi vì bất kỳ lý do gì, và khi mọi thứ tan vỡ, tôi đã chán nản vô cùng. 

Cuộc chiến tranh văn học bốn mươi năm là một trường hợp đặc biệt. Và tôi, không phải không có sự hài lòng, cam kết khôi phục các chi tiết của trận chiến mà con người tiến hành chống lại cái bóng của chính mình, vì tôi đã không tham gia bất kỳ phần nào trong đó.

Kẻ thù của tôi đã thành lập hai mươi lăm tạp chí (anh ta là biên tập viên thường trực của các tạp chí này) chỉ để tiêu diệt tôi như một nhà thơ, để buộc tôi tôi về tội phản quốc, tội đạo văn, đồi trụy tình dục. Với lòng nhiệt thành đáng ghen tị, anh ta đã phát hành nhiều bài phóng sự cùng với sự hài hước. Cuối cùng, cuốn sách “Neruda và tôi” của anh ta xuất hiện, đầy những lời lăng mạ và chửi rủa vào địa chỉ của tôi.

Đối thủ của tôi, một nhà thơ người Chilê lớn tuổi hơn tôi, là một người cực kỳ bướng bỉnh và kiên quyết, có khả năng về cử chỉ hơn là một thứ gì đó sâu sắc, xứng đáng. Có rất nhiều nhà văn như vậy, dữ dội, tự ái, ích kỷ, họ có đầy ở lục địa của chúng ta. Sự tự mãn và tàn nhẫn của họ được thể hiện theo những cách khác nhau, nhưng trong mỗi trường hợp đều có mối quan hệ họ hàng với D'Annunzio.

Ở những vùng đất nghèo khó, chúng tôi, những nhà thơ đói khát và rách rưới lang thang trong những buổi bình minh tàn nhẫn, giữa những cơn nôn của những người say rượu. Trong tình trạng khốn khổ này, văn học đã sinh ra những kẻ gian đáng kinh ngạc nhất, đưa vào cuộc sống những bóng ma của một cuốn tiểu thuyết lừa đảo. Chủ nghĩa hư vô không kiềm chế, sự hoài nghi sai lầm của Nietzsche khiến nhiều người trong chúng ta phải che đậy bằng cái mặt nạ hình sự. Đối với nhiều người hóa ra đây lại là con đường ngắn nhất dẫn đến tội ác, đến sự hủy diệt chính bản thân mình. 

Chính trong môi trường này, đối thủ huyền thoại của tôi đã nảy sinh. Lúc đầu, anh ta nịnh hót tôi, cố lôi kéo tôi vào trò chơi của anh ta. Nhưng với tôi, một kẻ tiểu tư sản tỉnh lẻ, nó không hợp với ý thích của tôi. Tôi không dám, và quan trọng nhất là không muốn lừa dối. Và nhân vật của chúng tôi biết cách nắm bắt cơ hội và biết tất cả các đường đi. Anh ta sống trong một thế giới của những trò hề liên tục, liên tục lừa dối bản thân, phát minh ra sự đe dọa để phục vụ anh ta như một nghề nghiệp và sự bảo vệ.

Đã đến lúc gọi tên nhân vật của chúng ta, anh ta tên là Perico de Palothes. Anh ta là một người đàn ông mạnh mẽ, cố gắng gây ấn tượng bằng tài hùng biện và ngoại hình của mình. Khi tôi mới mười tám hoặc mười chín tuổi gì đấy, anh ta muốn xuất bản với tôi một tạp chí văn học gồm hai phần. Trong phần một, Perico, bằng mọi cách  – với những bài thơ và văn xuôi – sẽ khăng khăng rằng tôi là một nhà thơ vĩ đại và thiên tài, và ở phần khác khác tôi sẽ ca ngợi với cả thế giới rằng anh ta là một người có trí tuệ, một tài năng văn học. Nói một cách dễ hiểu, mọi thứ sẽ diễn ra theo cách tốt nhất có thể.

Mặc dù tôi còn trẻ nhưng dự án đó có vẻ quá mức. Tuy nhiên, thật khó để can ngăn anh ta. Palothes là một người xuất bản cừ khôi. Thật đáng kinh ngạc khi thấy cách anh ta tìm kiếm nguồn tài chính để tạo ra sự nổi tiếng cho mình.

Perico đã hoạt động ở một tỉnh xa theo một kế hoạch được phát triển rõ ràng. Một danh sách dài đã được chuẩn bị trước, bao gồm các bác sĩ, luật sư, nha sĩ, nhà nông học, giáo viên, kỹ sư, chính quyền địa phương và những người khác. Palothes trình bày cho họ trong vầng hào quang của những cuốn sách anh ta viết, các tạp chí do anh ta xuất bản và các tuyển tập tác phẩm. Những người thiếu kinh nghiệm đã xem anh ta như một sứ giả của văn hóa thế giới và tự coi mình là người hãnh diện khi chấp nhận lời đề nghị khiêm tốn của anh ta. Dưới áp lực của tài hùng biện, mỗi nạn nhân mà anh ta chọn đều cảm thấy như một bà mẹ khốn khổ. Và như thường lệ, Palothes đã ra về với một số tiền, mang lại niềm vui cho nhiều người khi họ được tham gia vào văn hóa thế giới.

Đôi khi Perico de Palothes xuất hiện ở các vùng phía nam Chilê với tư cách là một chuyên gia về quảng cáo nông nghiệp và mời những chủ đất sống trong rừng để xuất bản những ấn phẩm đầy màu sắc về tài sản của họ với những bức ảnh in hình những bầy súc vật và chính chủ sở hữu của chúng. Một trong những trang phục đáng giá của anh ta là gì – quần dài cao đến đầu gối, giày cao cổ và một chiếc áo choàng rất kỳ dị. Sự nịnh hót đó, và thậm chí là mối đe dọa xuất bản thứ gì đó làm mất uy tín, Perico luôn thành công và ra về với một tấm séc trong túi. Các chủ đất – những người keo kiệt nhưng luôn tỉnh táo, thực dụng – đã vội vàng dúi cho anh ta một ít tiền để thoát khỏi anh ta càng sớm càng tốt.

Sự khao khát tội ác cả trong văn học lẫn trong cuộc sống có lẽ là điều chính đặc trưng cho người đàn ông này, một người chịu ảnh hưởng Nietzsche và một kẻ nghiện viết lách thái quá. Perico de Palothes, kẻ háo danh và khoác lác, trong một thời gian dài đã có sự thành công nhỏ từ một số người nghèo, những người đã tôn vinh anh ta bằng mọi cách có thể. Nhưng cuộc sống thường đối xử tàn nhẫn với những người thích chơi trò mạo hiểm.


Tôi đã do dự một thời gian dài, phân vân khi viết ra những dòng này, lý do cho điều này là kết thúc bi thảm của kẻ thù của tôi: anh ta đã tự tử. Nhưng, tuân theo mệnh lệnh của thời gian và nơi chốn, tôi vẫn viết về nó. Một dãy núi của sự thù hận cắt qua các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha. Sự ghen tị dai dẳng ăn mòn cuộc đời của các nhà văn. Chỉ có một cách để chấm dứt cơn thịnh nộ hủy diệt này là phơi bày sự thất bại của nó ra trước ánh sáng.

Một chiến dịch văn học và chính trị mà một người Uruguay nào đó có tiếng tăm lừng lẫy với tên họ Ribeiro đã phát động chống lại tôi và các sáng tác của tôi cũng điên cuồng không kém. Chủ đề này đã được các bài báo bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp xuất bản trong nhiều năm, không còn gì nữa cho tôi. Thật đáng kinh ngạc là khi trong các hoạt động chống Neruda của mình, anh ta không chỉ tốn kém hàng tấn giấy in, không hề rẻ cho anh ta, mà anh ta còn chi cho những chuyến đi xa đắt tiền để tiêu diệt tôi theo cách tàn nhẫn nhất.

Ít ai biết rằng Đại học Oxford đã trao cho tôi danh hiệu “Tiến sĩ danh dự” (Doctor honoris causa) khi loại hình vinh danh kỳ lạ này lại có ở nước Anh. Nhà thơ người Uruguay, người đã đưa ra những lời buộc tội chống lại tôi, quyết định đối phó với tôi ngay trong trường đại học này. Các ngài giáo sư đáng kính đã cười vui vẻ trước những lời buộc tội nực cười của người Uruguay, và ngay sau buổi lễ, vẫn mặc quần áo đỏ tươi, tôi đã uống một ly rượu vang truyền thống với họ.

Một cuộc phiêu lưu thậm chí còn lớn hơn là chuyến đi của anh ta đến Stockholm vào năm 1963. Có tin đồn rằng tôi sẽ được trao giải thưởng Nobel, và người Uruguay không biết mệt mỏi đã đến gặp tất cả các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, trả lời phỏng vấn các tờ báo Thụy Điển và tuyên bố trên đài phát thanh rằng tôi là một trong những kẻ đã ám sát Trotsky. Anh ta đã dùng mọi cách để chứng minh rằng tôi hoàn toàn không xứng đáng được nhận giải thưởng cao quý như vậy.

Theo thời gian, người ta thấy rõ rằng người đàn ông này đã rất xui xẻo: anh ta đã lãng phí tiền bạc và sức lực của mình cả ở Oxford và ở Stockholm.

= =
Chú thích những tên riêng được nhắc đến trong bài viết:

*Vladimir Mayakovsky (1893 – 1930) – Nhà thơ Nga Xô Viết 
*Francisco de Quevedo (1580 – 1645) – Nhà thơ Tây Ban Nha
*Luis de Góngora (1561 – 1627) – Nhà thơ Tây Ban Nha
*Juan Rulfo (1917 – 1986) – Nhà văn Mexico
*Mario Vargas Llosa (1936) – Nhà văn Peru, giải Nobel Văn học năm 2010
*Ernesto Sabato (1911 – 2011) – Nhà văn Argentina
*Julio Cortázar (1914 – 1984) – Nhà thơ, Nhà văn Argentina
*Carlos Fuentes (1928 – 2012) – Nhà văn Mexico
*José Donoso (1924 – 1996) – Nhà văn Chilê
*Gabriele D'Annunzio (1863 – 1938) – Nhà văn, nhà thơ Ý.
*Friedrich Nietzsche (1844 – 1900) – Nhà triết học Đức
*Lope de Vega (1562 – 1635) – Nhà soạn kịch, nhà thơ Tây Ban Nha

*Lev Davidovich Trotsky (1879 – 1940) – Nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô bị ám sát tại Mexico. 




Giải thưởng Nobel

Giải thưởng Nobel của tôi có một lịch sử lâu dài. Trong nhiều năm, tên của tôi đã được gọi trong số các ứng cử viên cho giải thưởng, nhưng nó không dẫn đến điều gì.

Năm 1963, mọi thứ nghiêm trọng hơn nhiều. Một vài lần người ta thông báo trên đài phát thanh rằng ứng cử viên của tôi đang được thảo luận ở Stockholm và rằng tôi là ứng cử viên có khả năng nhất cho giải thưởng Nobel. Khi đó Matilde và tôi áp dụng kế hoạch số 3 về phòng thủ ở nhà. Chúng tôi treo một ổ khóa rất lớn ngoài cổng, dự trữ rất nhiều đồ ăn và rượu vang đỏ trong nhà. Tôi có một số cuốn tiểu thuyết trinh thám của Simenon cho trường hợp ở ẩn của chúng tôi. 

Các nhà báo xuất hiện ngay sau đó nhưng họ đã phải dừng lại. Họ đã bị ngăn chặn bởi một ổ khóa bằng đồng tuyệt vời. Họ đi vòng gần hàng rào đá, giống như những con báo đốm. Họ hy vọng điều gì? Tôi đã có thể nói gì với họ về các cuộc tranh luận được dẫn dắt bởi các học giả Thụy Điển ở phía đầu kia của thế giới? Nhưng các nhà báo đã không từ bỏ hy vọng “vắt nước từ cây gậy khô”.

Mùa xuân đến muộn trên bờ biển Nam Thái Bình Dương. Những ngày vắng vẻ đã đưa tôi đến gần hơn với mùa xuân, dù muộn màng, trong trang phục tốt nhất của mùa xuân cho kỳ nghỉ vắng vẻ của mình. Rồi mùa hè không có một cơn mưa nào, đất cằn cỗi, không còn nhìn thấy một bãi cỏ xanh. Mùa đông, gió biển trút cơn giận dữ và bọt mặn vào những con sóng lớn. Mùa đông, thiên nhiên phô bày sự đau khổ của mình – nạn nhân của thời tiết dữ dằn, khắc nghiệt.

Mùa xuân cần mẫn khoác lên vỏ trái đất một màu vàng của vô số hoa. Nhỏ bé và không thể cưỡng lại, chúng quây quanh những vách đá rồi theo bờ dốc chúng tiếp cận mặt nước và bất chấp mọi thách thức, chúng bảo vệ quyền tồn tại, chuyển sang màu vàng rộm giữa những con đường. Bao nhiêu thời gian những bông hoa này đã sống một cuộc đời bí mật, bao nhiêu thời gian chúng bị vùng đất cằn cỗi từ chối, bây giờ chúng không biết làm thế nào để giữ cho màu vàng của chúng mãi rộng ra.

Nhưng sau đó, những bông hoa bắt đầu mờ dần, mờ dần và mọi thứ chuyển sang màu tím đậm. Mặt trời màu vàng của mùa xuân chuyển sang màu xanh và sau đó thành đỏ thẫm. Tại sao những cành hoa nhỏ bé, không thể đếm hết này lại nhường chỗ cho nhau? Hôm nay, một số màu sắc lóe lên trong gió, ngày mai lại những màu sắc khác. Như thể trên những ngọn đồi hoang vắng, những lá cờ có chủ quyền của Mùa xuân đang được thay thế, như thể đội quân xâm lược vội vàng giương cờ chiến trận.

Lúc này, xương rồng nở trên bờ biển. Nhỏ, tròn, trông chúng không giống như những cây xương rồng khổng lồ trên những ngọn núi xa xôi của dãy Andes. Tôi nhìn thấy xương rồng ven biển trong những nụ đỏ tươi, như thể bàn tay của ai đó đã tưới chúng bằng dòng máu hy sinh nóng bỏng. Sau đó, những nụ hoa mở ra, và hàng ngàn bông hoa màu đỏ thẫm cháy trên phông nền của những dốc biển khổng lồ phủ đầy bọt trắng.

Cây thùa trong vườn của tôi đã ném một bông hoa sát thủ từ ruột của nó. Trong vòng mười năm cái cây có màu xanh vàng này đã phát triển cao hơn tôi. Bây giờ nó đã nở hoa để chết. Ngọn giáo xanh mạnh mẽ của nó – cao bảy mét – bị chặn lại ở một vài nơi bởi những vòng hoa khô, đôi chỗ phủ bằng phấn hoa vàng. Sau đó, những chiếc lá khổng lồ sẽ bắt đầu gãy và cây thùa sẽ chết.

Bên cạnh cây thùa sắp chết, một cây khổng lồ khác đang được sinh ra. Cây này không hề có ở nước ngoài. Nó chỉ mọc ở đây, trên bờ biển phía nam của chúng tôi. Tên của nó là cây ăn thịt cừu (puya chilensis). Ngày xưa người Araucania tôn thờ cây ăn thịt cừu này. Từ lâu đã không còn những người Araucania dũng cảm – máu, cái chết, thời gian và rồi thiên sử thi của Alonso de Ercilla đã khép lại lịch sử của một bộ lạc cổ xưa có màu đất sét đen, từng tỉnh dậy từ một giấc mơ địa chất để bảo vệ quê hương mình. Khi tôi nhìn lại những bông hoa trỗi dậy qua nhiều thế kỷ của những cái chết đen tối không rõ, trên những lớp lãng quên nặng nề thấm đẫm máu, tôi ngỡ như quá khứ của vùng đất này đang nở rộ, nở rộ bất chấp những gì chúng ta đang có và ngày nay chúng ta đã trở thành. Chỉ có trái đất vẫn là chính mình, vẫn giữ bản chất của nó.  

Nhưng tôi quên mô tả về cây này.

Nó có những chiếc lá lởm chởm sắc nhọn, và nó thuộc họ dứa. Cây mọc hai bên đường như một ngọn lửa xanh, tích hợp bên trong mình những thanh kiếm bí ẩn trong lõi của viên ngọc lục bảo. Rồi từ đó sinh ra một bông hoa khổng lồ, một bó, một bông hồng xanh có kích thước của một người đàn ông. Hàng trăm hoa hồng nhỏ được hợp nhất lại trong bông hoa cô đơn này, ngôi đền xanh này trong phấn hoa vàng, tỏa sáng trong ánh phản chiếu tươi sáng của biển. Không nơi nào tôi thấy một bông hoa xanh khổng lồ như vậy, trông giống như một tượng đài cô đơn của sóng biển.

Nông dân và ngư dân ở đất nước tôi từ lâu đã quên tên của nhiều loài hoa nhỏ. Tên của những bông hoa này dần dần phai mờ trong ký ức của con người và chúng không còn tự hào về bản thân, chúng ẩn mình trong những đám cỏ, giống như những viên đá mà các dòng sông mang từ đỉnh núi tuyết đến các bờ biển vô định. Nông dân và ngư dân, thợ mỏ và nhà buôn của chúng tôi bị kết án với số phận khắc nghiệt của mình, họ sẵn sàng chịu thất bại, sẵn sàng chết và hồi sinh những công việc khó khăn của họ. Số phận của những anh hùng trên những vùng đất chưa được khám phá vẫn chưa được biết đến. Trong chính họ, trong các bài hát của họ chỉ tỏa ra hồi quang của dòng máu không tên, sự rạng rỡ của những bông hoa không có tên.

Khu vườn của tôi có nhiều một trong những loài hoa như vậy – loài hoa có màu xanh, thân cây dài, mảnh, bóng và chắc. Ở phần cuối của thân cây run rẩy, rất nhiều loại hoa màu xanh lam và siêu xanh lắc lư. Tôi không biết những người phàm nào khác được phép nhìn thấy một màu xanh hoàn hảo như vậy. Có thể nó chỉ mở ra cho một số ít? Và nó sẽ vẫn vô hình với những người mà vị thần màu xanh không muốn xuất hiện? Và đột nhiên lý do cho tất cả mọi thứ là niềm vui của tôi, sinh ra từ sự cô đơn và ý thức tự hào rằng tôi đã có một cuộc gặp gỡ với màu xanh này, với những con sóng màu xanh này, với một ngôi sao màu xanh trong mùa xuân vắng vẻ đó?

Cuối cùng, tôi sẽ nói về bến cảng. Tôi không biết những bông hoa này vẫn mọc ở đâu. Hàng triệu ngón tay hình tam giác xanh đào vào bờ cát. Mùa xuân kết hợp chúng với những chiếc nhẫn rau dền có vẻ đẹp chưa từng thấy. Vào những ngày cuối xuân, cả làng Isla Negra đều tỏa sáng với những bông hoa này, chúng có tên bằng tiếng Hy Lạp là aizoaceae (họ phiên hạnh). Chúng văng lên bờ bằng cuộc xâm lấn của biển, món quà hào phóng của một hang động xanh dưới nước, thứ nước ép của các cụm màu tím được lưu giữ trong các tầng hầm của Hải Vương.

Vào lúc này trên đài phát thanh người ta thông báo rằng nhà thơ Hy Lạp đã được trao giải Nobel. Các nhà báo lập tức biến mất. Sự yên lặng đã trở lại với tôi và Matilde. Chúng tôi long trọng gỡ ổ khóa lớn ra khỏi cổng cũ, để cả thế giới lại sẽ bước vào nhà chúng tôi mà không cần gõ cửa, không báo trước. Như mùa xuân vậy. 

Buổi tối, Ngài đại sứ Thụy Điển và vợ đã đến thăm chúng tôi. Tin rằng tôi sẽ trở thành người được giải Nobel, họ đã mang theo cả một giỏ rượu và những món đặc sản để ăn mừng chiến thắng của tôi. Bữa tối của chúng tôi không buồn một chút nào và chúng tôi đã uống ly rượu mừng cho nhà thơ Hy Lạp Seferis, người vừa được trao giải thưởng cao quí. Trước khi ra về, vị đại sứ đã kéo tôi sang một bên và nói: 

- Tất nhiên rồi các nhà báo sẽ phỏng vấn tôi mà tôi thì không biết gì về điều này. Ngài làm ơn nói cho tôi biết Seferis là ai?

- Tôi cũng không biết – tôi trả lời rất chân thành. 

Thành thật mà nói, bất kỳ nhà văn nào trên hành tinh của chúng ta được gọi là Trái đất đều muốn được nhận giải Nobel – cả những người im lặng về điều này và cả những người phủ nhận điều này.

Đối với Mỹ Latinh thì các quốc gia đều có các ứng cử viên, chiến thuật và kế hoạch riêng của mình để đạt được giải thưởng. Vì lý do này mà những người xứng đáng không nhận được giải thưởng. Ví dụ, Rómulo Gallegos. Di sản sáng tạo rộng lớn của ông là rất đáng nể. Nhưng Venezuela là đất nước của dầu mỏ, nói cách khác, một đất nước có đồng tiền mạnh, và với sự giúp đỡ của nó, người Venezuela đã quyết định tìm kiếm một giải thưởng. Một trong những đại sứ Venezuela ở Thụy Điển đã coi nhiệm vụ chính của mình là biến Rómulo Gallegos trở thành người được giải thưởng Nobel. Ông đã tổ chức các buổi tiệc tùng xa hoa, in các tác phẩm của các học giả Thụy Điển với các bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha trong các nhà in ở Stockholm. Có lẽ sự nhanh nhẹn như vậy khiến người Thụy Điển kiềm chế và thận trọng. Rómulo Gallegos có lẽ không bao giờ phát hiện ra rằng sự nhiệt tình quá mức của đại sứ Venezuela đã ngăn cản ông nhận giải thưởng Văn học mà ông hoàn toàn xứng đáng.


Ở Paris, tôi không nhớ vì lý do gì, người ta kể cho tôi nghe một câu chuyện buồn với một sự hài hước tàn nhẫn. Lần này là Paul Valéry. Ông được nói đến như là ứng cử viên có khả năng nhận giải Nobel cao nhất. Và rồi sáng hôm đó, khi Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, Paul Valéry muốn giữ sự bình tĩnh cho mình, đã gọi con chó và lấy cây gậy rời khỏi ngôi nhà ngoại ô để đi dạo.

Ông chỉ trở về vào buổi trưa để ăn trưa. Ngay khi vừa mở cửa, ông liền hỏi cô thư ký:
- Không có ai gọi cho tôi hả?
- Có, thưa ông. Vài phút trước có cuộc gọi từ Stockholm.
- Và họ đã nói gì với cô? Ông hỏi lại, không giấu được niềm vui.
- Một nữ nhà báo Thụy Điển quan tâm đến thái độ của ông về phong trào giải phóng phụ nữ.

Chính Valéry đã nói về điều này với sự mỉa mai nhẹ nhàng. Nhưng quả thật là như vậy, nhà thơ xuất sắc người Pháp, một bậc thầy đạt đến sự hoàn hảo đã không bao giờ được nhận giải Nobel. 

Đối với tôi, người ta không thể không thừa nhận rằng tôi là người luôn thận trọng. Trong cuốn sách của một học giả người Chilê, người đã lên kế hoạch tôn vinh Gabriela Mistral, người đồng hương nghiêm khắc của chúng tôi, tôi đã đọc nhiều lá thư gửi đến những nơi khác nhau. Với tất cả sự kiềm chế cao quý, chị ấy đã ôm ấp một mong muốn hoàn toàn tự nhiên là tiếp cận giải thưởng Nobel. Những lá thư này dạy tôi thận trọng. Vì tên của tôi bắt đầu được gọi trong số các ứng cử viên (điều này không chỉ một lần), tôi đã không đến Thụy Điển, mặc dù tôi đã bị cuốn hút bởi tuổi trẻ của mình khi Tomás Lago và tôi tự hào gọi mình là những sinh viên bị trục xuất khỏi nhà thờ của mục sư, một người say rượu tên là Gosta Berling. 

Ngoài ra, tôi đã chán ngấy việc người ta vẫn cứ xướng tên tôi trong số các ứng cử viên gần như hằng năm. Điều đó làm tôi bực mình vì trong những cuộc xét chọn thường niên này, tên của tôi được người ta sử dụng như thể tôi là một con ngựa đua. Mặt khác, các nhà văn Chilê vẫn tin rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã gây ra một sự xúc phạm cá nhân đối với họ. Nói một cách dễ hiểu, trong một tình huống như vậy, rất dễ bị rơi vào cảnh buồn cười và khó xử. 

Cuối cùng, như mọi người đều đã biết, năm 1971 tôi đã được trao giải Nobel. Tôi vừa đến Paris với tư cách là Đại sứ Chilê, khi tên tôi lại xuất hiện trên báo. Matilde và tôi không vui chút nào. Thói quen thất vọng hàng năm khiến chúng tôi không nhạy cảm với mọi thứ liên quan đến giải thưởng này. Một buổi tối tháng 10, Jorge Edward, cố vấn văn hóa của Đại sứ quán và nhà văn của chúng tôi bước vào phòng ăn. Với sự thận trọng thông thường của mình, anh ấy đã đề xuất với tôi một vụ cá cược khá khiêm tốn. Nếu người ta trao cho tôi giải Nobel năm đó, tôi sẽ trả tiền ăn tối tại một nhà hàng tốt nhất ở Paris, tôi mời anh ấy và vợ của anh. Nếu không, anh ấy sẽ trả tiền cho một bữa ăn trưa mà tôi sẽ cùng dự với Matilde. 

- Nhất trí – tôi trả lời – chúng tôi sẽ có một bữa trưa tuyệt vời với chi phí của anh.

Ngày hôm sau, tôi nhận ra lý do Edward quyết định đặt cược điều này. Hóa ra anh ấy được một người bạn là nhà văn, nhà báo gọi từ Stockholm, người này nói rằng chắc chắn lần này Pablo Neruda sẽ nhận giải Nobel.

Những cuộc gọi điện thoại đường dài bắt đầu nhộn nhịp. Các nhà báo gọi từ Buenos Aires, từ Mexico và đặc biệt là từ Tây Ban Nha. Tất nhiên, tôi từ chối mọi lời giải thích về chủ đề này, nhưng sự nghi ngờ xuất hiện trở lại trong lòng tôi.

Tối hôm đó, Artur Lundqvist, nhà văn Thụy Điển duy nhất mà tôi kết thân, đến thăm tôi. Ba hoặc bốn năm trước gì đó anh được bầu vào Viện Hàn lâm. Anh đã ghé Paris trên đường đi đến miền nam nước Pháp. Sau bữa tối, tôi nói với anh ấy rằng thật khó khăn khi tôi nói chuyện với các nhà báo nước ngoài, những người đã gán giải thưởng Nobel cho tôi trước đó. 

- Artur, tôi muốn hỏi bạn một vài thứ – tôi nói – trong trường hợp điều này là đúng, tôi rất muốn biết trước khi báo chí đăng tải nó. Trước tiên tôi muốn nói với Salvador Allende, người mà tôi đã sát cánh trong nhiều cuộc đấu tranh. Anh ấy sẽ rất vui mừng khi là người đầu tiên nhận được tin tức.

Nhà học giả, nhà thơ Lundqvist nhìn tôi bằng đôi mắt Thụy Điển và nói rất nghiêm túc:

- Tôi không thể nói cho bạn bất cứ điều gì. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, nhà vua Thụy Điển hoặc đại sứ Thụy Điển tại Paris sẽ thông báo ngay cho bạn.

Điều này xảy ra vào ngày 19 và 20 tháng 10. Vào sáng ngày 21, hội trường của các Đại sứ quán bắt đầu chật kín các nhà báo. Các nhà điều hành của các nước Thụy Điển, Đức, Pháp và Mỹ Latinh cho thấy một sự thiếu kiên nhẫn, dọa sẽ nổi loạn chống lại sự im lặng cứng đầu của tôi. Nhưng tôi im lặng, vì tôi không biết gì cả.

Lúc mười một giờ rưỡi, tôi được đại sứ Thụy Điển gọi điện mà không biết trước được nó là gì. Cuộc gọi không giúp làm dịu tâm trạng vì cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra hai giờ sau đó. Điện thoại cứ reo liên hồi.


Vào thời điểm đó một trong những Đài phát thanh ở Paris đã phát đi tin tức vào phút cuối: “Giải Nobel Văn học năm 1971 sẽ được trao cho nhà thơ Chile Pablo Neruda”. Tôi lập tức xuống gặp mặt trực tiếp với một đội quân lớn gồm các nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhân viên truyền hình. May mắn thay, những người bạn cũ của tôi đã đến đại sứ quán – Jean Marsenac và Louis Aragon. Marsenac, nhà thơ người Pháp mà tôi yêu mến đã hét lên vì sung sướng. Aragon còn hài lòng hơn tôi rất nhiều. Cả hai đều giúp tôi đối phó với các phóng viên.

Tôi vừa mới trải qua một ca phẫu thuật gần đây, tôi vẫn còn yếu, khó khăn đứng trên đôi chân của mình và do dự khi di chuyển. Bạn bè của tôi tụ tập ăn tối vào tối hôm đó: Matta đến từ Ý, Garcia Marquez từ Barcelona, Siqueiros từ Mexico City, Miguel Otero Silva từ Caracas, Arturo Camacho Ramirez từ chính Paris, Cortazar – từ nơi ẩn náu bí mật của anh ấy. Và một người Chilê khác – Carlos Vasallo, cùng anh ta, chúng tôi phải đến Stockholm.

Trên bàn của tôi có cả núi những bức điện mừng (tôi chưa đọc hết và trả lời tất cả được). Trong vô số các bức thư này có một bức thư rất tò mò và có tính chất đe dọa. Bức thư này do một quý ông gốc người da đen gửi từ Hà Lan. Bức thư đại loại như sau: “Tôi là đại diện của phong trào chống thực dân ở Georgetown. Tôi yêu cầu ông mời tôi đến buổi lễ được tổ chức tại Stockholm nhân dịp trao giải thưởng Nobel cho ông. Đại sứ quán Thụy Điển cảnh báo với tôi rằng muốn dự lễ phải có áo khoác đuôi tôm. Tôi không có tiền cho áo khoác đuôi tôm và tôi không bao giờ đi thuê nó vì thật nhục nhã cho người Mỹ tự do mặc quần áo đã qua sử dụng. Đó là lý do tôi muốn thông báo với ông rằng với số tiền khiêm tốn mà tôi đã tiết kiệm được, tôi sẽ đến Stockholm tổ chức một cuộc phỏng vấn báo chí và sẽ tố cáo, phơi bày bản chất của chủ nghĩa đế quốc trong buổi lễ sẽ được tổ chức để vinh danh nhà thơ nổi tiếng chống đế quốc và nổi tiếng nhất thế giới”. 

Vào tháng 11 Matilde và tôi đã đến Stockholm. Chúng tôi đi cùng với một số người bạn cũ. Chúng tôi được ở trong khách sạn Grand sang trọng. Từ cửa sổ nhìn ra thành phố lạnh lẽo xinh đẹp, cung điện hoàng gia. Những người đoạt giải ở các lĩnh vực khác của năm nay, các nhà vật lý, hóa học, bác sĩ, v.v… cũng ở trong khách sạn Grand. Đây là những người rất khác nhau về tính cách. Một số thích trang trọng và nghi lễ, số khác lại thích đơn giản và khiêm tốn… Willy Brandt người Đức không có mặt ở khách sạn, ông sẽ nhận giải Nobel Hòa bình ở Na Uy. Tôi thấy tiếc vì đó là người mà tôi thực sự muốn gặp và nói chuyện. Sau đó tôi thấy ông ở các buổi tiếp tân, nhưng chúng tôi luôn bị một số người cản trở.



Buổi lễ sẽ được tổ chức sau buổi diễn tập, theo nghi thức của Thụy Điển, diễn ra tại hội trường nơi giải thưởng sẽ được trao. Thật buồn cười khi thấy chúng tôi, những người khá nghiêm túc, trước khi ra khỏi giường, vội vã rời khỏi khách sạn để đến cung điện đúng thời gian đã hẹn, leo lên cầu thang, không lẫn bất cứ thứ gì, rẽ phải hoặc trái, sau đó leo lên sân khấu và ngồi vào chiếc ghế mà bạn sẽ tham gia vào ngày trao giải. Và tất cả những điều này – trước máy quay truyền hình, trong một hội trường trống rỗng rộng lớn, nơi phô trương ngai vàng cũng u sầu và trống rỗng của nhà vua và nơi tôn vinh của hoàng gia. Tôi vẫn không hiểu tại sao truyền hình Thụy Điển quyết định quay một buổi diễn tập mà các diễn viên tệ hại như vậy tham gia.

Giải thưởng được trao vào ngày lễ Thánh Lucia. Những tiếng hát trong trẻo nhẹ nhàng từ hành lang đã đánh thức tôi dậy. Sau đó, các cô gái Scandinavia tóc vàng đội vương miện bằng vòng hoa và nến thắp sáng bước vào phòng tôi. Họ mang cho tôi bữa sáng và món quà – một bức tranh dài và đẹp mô tả cảnh biển. 

Ít lâu sau đó, một sự cố đã xảy ra khiến lực lượng cảnh sát Stockholm lo lắng. Từ Phòng Lễ tân của khách sạn người ta đưa cho tôi một bức thư do một người chống thực dân quyết liệt từ Georgetown thuộc Hà Lan ký tên. “Tôi vừa mới đến Stockholm – bức thư viết – tôi không thể tổ chức cuộc họp báo, nhưng với tư cách là một nhà hành động cách mạng, tôi đã thực hiện các biện pháp khác. Chúng tôi không cho phép Pablo Neruda – nhà thơ của những người bị sỉ nhục và bị áp bức – mặc áo khoác đuôi tôm nhận giải thưởng Nobel”. “Đó là lý do tại vì sao anh ta mua chiếc kéo màu xanh lá cây để trước mặt toàn bộ công chúng đáng kính sẽ cắt phần đuôi và các phần khác từ áo khoác đuôi tôm. Tôi có nhiệm vụ cảnh báo cho ông về điều này. Khi ông thấy một người đàn ông da đen với chiếc kéo lớn màu xanh lá cây đứng lên từ chỗ ngồi cuối hội trường thì ông biết điều gì sẽ xảy ra với hắn”. 

Tôi đưa bức thư kỳ lạ này cho nhà ngoại giao của Phòng Lễ tân đi cùng tôi và cười nói với anh ta rằng lá thư đầu tiên từ kẻ lập dị này tôi đã nhận ở Paris và theo tôi, điều này là vớ vẩn, không nên được coi trọng. Người Thụy Điển trẻ tuổi không chia sẻ ý kiến của tôi. 

“Trong thời đại căng thẳng của chúng ta, những điều bất ngờ nhất có thể xảy ra. Nhiệm vụ của tôi là báo cho cảnh sát Stockholm” Anh ta nói, và sau đó đi làm những việc mà anh ta coi là nhiệm vụ của mình.


Cần phải nói một điều rằng, có nhà văn, nhà thơ Miguel Otero Silva người Venezuela đã đến Stockholm với tôi. Người đàn ông này đối với tôi không chỉ là lương tâm và trí tuệ của Mỹ Latinh mà anh ấy còn là người bạn thân và người bạn đồng hành trung thành của tôi. Một vài giờ trước khi buổi lễ diễn ra, trong bữa ăn trưa tôi nói rằng người Thụy Điển đã lo lắng trước bức thư mà một người dân ở Georgetown gửi cho tôi. Miguel Otero Silva – anh ấy ăn trưa với chúng tôi – đã tự tát vào trán và kêu lên: 

- Đấy là bức thư tôi viết để trêu bạn đấy, Pablo ạ. Biết làm gì với cảnh sát bây giờ, họ đang tìm kiếm một người không có thật?

- Họ sẽ tống bạn vào tù. Chỉ những kẻ man rợ mới có khả năng đùa như vậy, và bạn sẽ phải chịu một hình phạt xứng đáng dành cho người đàn ông Georgetown – tôi đã nói với anh ta như vậy. 

Lúc này nhà ngoại giao Thụy Điển trẻ tuổi của tôi đã quay trở lại. Anh ấy vừa đi báo cáo với chính quyền về bức thư kia. Không ngần ngại, chúng tôi thú nhận với anh ấy mọi thứ:

-Đây là một trò đùa không phù hợp, ngu ngốc. Tác giả của bức thư ngồi cùng bàn với chúng tôi đây này. 

Thế là anh ấy lại vội vã đi đâu đó. Nhưng cảnh sát đã tìm kiếm người đàn ông da đen từ Georgetown trong tất cả các khách sạn ở Stockholm.

Tất cả các biện pháp phòng ngừa được tuân thủ nghiêm ngặt. Khi Matilde và tôi bước vào hội trường nơi diễn ra buổi lễ, và khi chúng tôi bước ra từ vũ hội chào mừng, thay vì một người thư ký như thông thường, chúng tôi được những người vệ sĩ trẻ tuổi cao lớn đứng gần – họ được lệnh không để một người đàn ông nào cầm chiếc kéo màu xanh đến gần tôi.

Tại lễ trao giải Nobel truyền thống có một lượng khán giả đông đảo và kỷ luật, chỉ vỗ tay một cách lịch sự ở nơi mà nó được cho là cần thiết. Vị Quốc vương già cả bắt tay từng người đoạt giải, trao bằng chứng nhận, huy chương vàng và tấm séc. Sau đó chúng tôi trở lại sân khấu trang trí đầy hoa, giờ đã bớt khó chịu hơn so với những ngày diễn tập. Tất cả những người đoạt giải Nobel ngồi trong ghế bành. Người ta nói (hoặc có lẽ chỉ muốn làm hài lòng Matilde) rằng nhà vua Thụy Điển đã dành cho tôi nhiều thời gian hơn những người khác, rằng Ngài đã bắt tay tôi lâu hơn những người khác, và nói chung là Ngài có cảm tình đặc biệt với tôi. Đây hẳn là truyền thống từ quá khứ xa xôi, khi các vị vua cho phép mình trở nên hòa nhã với những người hát rong. Không biết có phải như vậy không, nhưng không có vị vua nào khác bắt tay tôi, dù là vội vàng hoặc với sự tôn kính.

Nghi thức nghiêm ngặt này chắc chắn là rất long trọng. Dường như sự trang trọng đi kèm với nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc sống của chúng ta sẽ không bao giờ biến mất. Vì rằng con người ta cần đến nó. Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng có một sự tương đồng rất buồn cười giữa cuộc diễu hành của những người đoạt giải Nobel và việc trao giải thưởng cho các em học sinh ở một thị trấn nhỏ.

==
Chú thích những tên riêng được nhắc đến trong bài viết:

*Georges Simenon (1903 – 1989) – Nhà văn Bỉ rất nổi tiếng với truyện trinh thám. 
*Alonso de Ercilla (1533 – 1594) – Nhà thơ Tây Ban Nha, tác giả của bộ sử thi “La Araucana”.
*Giorgos Seferis (1900 – 1971) – Nhà ngoại giao, nhà thơ Hy Lạp đoạt giải Nobel năm 1963.
*Rómulo Gallegos (1884 – 1969) – Tổng thống Venezuela năm 1948, nhà văn Venezuela.
*Paul Valéry (1871 – 1945) – Nhà thơ Pháp 
*Tomás Lago (1903 – 1975) – Nhà thơ Chilê, bạn thời trẻ của Pablo Neruda
*Gösta Berling – Nhân vật trong tác phẩm “Truyền thuyết về Gösta Berling” (Gösta Berlings saga) của nữ nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf 
*Jean Marsenac (1913 – 1984) – Nhà thơ Pháp
*Louis Aragon (1897 – 1982) – Nhà thơ Pháp 
*Artur Lundqvist (1906 – 1991) – Nhà văn, nhà thơ Thụy Điển
*Salvador Allende (1908 – 1973) – Chính khách, Tổng thống Chilê từ 3 tháng 11 năm 1970 cho đến ngày đảo chính quân sự và bị giết chết
*Roberto Matta (1911 – 2002) – Họa sĩ người Chilê
*Miguel Otero Silva (1908 – 1985) – Nhà văn, nhà thơ Venezuela
*Arturo Camacho Ramirez (1910 – 1982) – Nhà thơ Columbia


  
Gabriela Mistral về Pablo Neruda

Pablo Neruda, người mà trong biên chế của lãnh sự Chile chúng tôi gọi là Ricardo Reyes, sinh ở Parral, trung tâm của thung lũng miền trung (Longitudinal) năm 1904 , và năm này đối với chúng tôi sẽ luôn luôn như là năm của Giáng sinh. Thành phố Temuco đã cho Neruda thời thơ ấu của mình, cái tuổi thơ đã hun đúc nên tính cách của nhà thơ nhỏ tuổi. Neruda học văn học tại Đại học Sư phạm Santiago, nhưng không làm nghề dạy học như những người Chile khác. Một trong những Bộ trưởng, lúc đó chắc gì đã nhận thức được việc làm tốt đẹp, đã phái chàng Neruda 23 tuổi đi làm lãnh sự ở các nước Phương Đông, hy vọng vào sự can đảm của tuổi trẻ. Ở đó, giữa Nam Dương và Tích Lan, ở vùng Ấn Độ Dương nhiệt đới Neruda đã sống 5 năm. 5 năm này đối với tài năng thơ nhạy cảm bằng cả 20 năm. Có lẽ vùng đại dương oi bức này và cả nền văn học Anh mà Neruda am hiểu đã ảnh hưởng lớn nhất đến nhiệt huyết thơ ca của anh ấy.

Trước khi rời Chile, tập thơ Crepusculario (Hoàng hôn) đã biến Neruda thành lãnh tụ của thế hệ mình. Đến thủ đô, Neruda đã gặp nhóm các nhà thơ trẻ, những người khát khao cái mới, mong muốn giải phóng thơ khỏi lớp gỉ cố hữu, họ đã tiếp nhận sự cải cách táo bạo của Vicente Huidobro, người khởi xướng phong trào “ creacionismo – creationism” (sáng tạo).
Những tác phẩm của Neruda thời gian sau đó được nhà xuất bản “Cruz y Raya” tập hợp lại trong hai tập dưới tiêu đề Residencia en la tierra (Trú ngụ trên trái đất). Cuốn sách này từ trang bìa đã nói lên tài năng xuất chúng từ việc đặt tên sách.

“Trú ngụ trên trái đất” đã mang lại niềm vui lớn cho các nhà nghiên cứu: ở đây họ tìm thấy sự giàu có vật chất mà theo đó có thể theo dõi sự phát triển của một nhà thơ lớn. Sự trung thực với chính mình và sự tự tin đầy đủ đối với con người, nhà thơ đã đem đến cho độc giả những bài thơ về những đề tài yêu thích: “ Gỗ”, “Rượu” và “Cần tây”. Những bài thơ này không chỉ là những bài thơ đầu tay mà còn sự đại diện xứng đáng cho cả nền thơ ca non trẻ.

Tinh thần sáng tạo độc đáo theo cách của mình để tìm kiếm những gì mà chúng tôi gọi là “tính biểu cảm” để tìm kiếm ngôn ngữ thơ của riêng mình. Neruda từ chối các công cụ quen thuộc cũ kỹ: những bài thơ trong cuốn này không đi theo truyền thống của thơ Chile. Anh ấy cũng bác bỏ tất cả những ảnh hưởng từ bên ngoài – một số điểm tiếp xúc với Blake, Whitman, Czeslaw Milosz chỉ là do sự gần gũi về khí chất thơ của họ.

Vốn từ vựng của Neruda rất mới lạ, khuynh hướng thô từ, sắc nét, phù hợp trước tiên với tư chất phong phú, do đó rất dồi dào và cởi mở, và thứ hai, ác cảm sâu sắc của anh với những lời sàng lọc. Neruda thường nói rằng thế hệ của anh ở Chile được giải phóng khỏi chủ nghĩa neogongorism rất thời thượng lúc đó. Tôi không biết tính chiến đấu, tính phản kháng mạnh mẽ là tốt hay xấu nhưng trong mọi trường hợp chúng ta chào đón nó, vì nó bảo vệ cho chúng ta sức mạnh của thi ca Neruda trong tất cả vẻ tuyệt vời của nó. Sẽ dễ dàng hình dung sự ngạc nhiên trước ngôn ngữ thơ Neruda của những người làm thơ và viết những bài phê bình theo tinh thần của “những tiệm hớt tóc”.

Kỹ năng biểu cảm cương quyết và không trau chuốt của Neruda là tính năng bản địa của nhân sinh quan Chilê. Nhân dân chúng ta còn xa xôi với nhà thơ lớn của mình, nhưng họ vốn có cùng một ác cảm với ngôn ngữ không màu sắc và bóng bẩy. Sẽ rất hữu ích khi nhớ lại những cụm từ: “họa mi”, “quạt”, “hoa hồng” mà chủ nghĩa hiện đại đưa ra – thì chúng ta sẽ hiểu rằng đó là cơn gió mà Neruda dùng để làm sạch bầu không khí xung quanh mình và muốn làm sạch nó ở bất cứ đâu.

Một khía cạnh đặc sắc khác của Neruda là sự lựa chọn đề tài. Anh đem vứt đi tất cả những môi trường nên thơ: hoàng hôn, hoa tình ca trên ban công hoặc trong vườn. Chúng cũng là thứ trở ngại, bắt nguồn từ thói quen, nghĩa là quán tính, và thiên chất sáng tạo của anh đốt cháy tất cả những gì cũ kỹ trên con đường của mình. Những câu chuyện của anh cũng chắc gì quen thuộc: đấy là những thành phố hiện đại với vẻ cau có, là cuộc sống thường nhật với vẻ thảm hại, là những sầu ca mà trong đó cái chết thật không bình thường, tựa hồ như ta chưa bao giờ nhìn thấy, là những câu chuyện cũ được kể theo cách hoàn toàn mới mẻ và đem lại hiệu quả nổi bật – và đó là sự kết thúc, sự sụp đổ của tất cả mọi sinh linh lẫn vật vô tri. Cái chết – hầu như là mô-típ thường xuyên và ám ảnh trong tác phẩm của Neruda và nó thể hiện những hình thức bất ngờ nhất của sự hấp hối, đớn đau và mục nát.

Trong thơ của Neruda có không nhiều tiếng vọng của Tây Ban Nha, nhưng trong đó có nỗi ám ảnh bệnh hoạn Castilian với cái chết. Một bạn đọc thiển cận, có lẽ, sẽ gọi Neruda là người thần bí Tây Ban Nha. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận với từ “thần bí”, bởi nó thường dẫn đến sự xét đoán bề ngoài. Có thể coi Neruda là người thần bí vật chất. Những gì mà nhà thơ sáng tạo ra – quả là một sự kỳ diệu. Nhà sư Ấn Độ, cũng như Bergson cho rằng, nếu muốn nhận biết đối tượng, cần phải đặt mình vào bên trong nó. Neruda, một bậc thầy về kỹ thuật thi ca, trong bài thơ về “Gỗ” đã biết cách đi vào cốt lõi của vật chất bên ngoài con người.

Có thể gọi bầu không khí, nơi nhà thơ sống với những tưởng tượng của mình là mờ ảo và căng thẳng. Nhà thơ là thiên thần bị lật đổ mãi mãi khát khao sự xúc động để đắm chìm vào thơ ca. Có lẽ ở đó có linh hồn thiên thần của vực sâu, thiên thần của hang động hoặc vực sâu của biển, bởi vì không gian thơ Neruda – phần nhiều là ở dưới đất hơn là trong không khí, – mặc dù nhà thơ vốn nặng lòng với đại dương.

Nhưng hãy để cho nhà thơ ở đâu mình muốn và gửi cho chúng ta thông điệp thơ ca của mình – điều quan trọng cần nhìn thấy và đánh giá ở Pablo Neruda là chính con người anh ấy như là một nhân cách. Neruda là hiện thân của con người mới châu Mỹ, anh ấy biểu lộ cho chúng ta một thứ cảm xúc đặc biệt, mà thông qua đó mở ra một chương mới của cảm xúc con người. Bút pháp bậc thầy sản sinh ra một lực đẩy mạnh mẽ khỏi cái thông thường.

Thơ ca của Neruda gợi cho tôi nhiều hình tượng khác nhau. Khi tôi ngừng đọc để cho thơ ở lại trong tôi thì tôi nhìn thấy nó nằm yên như là một cái gì đó vốn có. Một trong những hình ảnh như vậy: một thân cây nhăn nheo và rêu phủ đầy, đứng yên trong khi đó thời gian gom lại bên trong những sức mạnh của cuộc sống. Một số bài thơ gợi cho tôi những tình cảm sôi nổi và thứ hạnh phúc ở chốn niết bàn mà thứ rạo rực này được hỗ trợ một cách rất lạ lùng.

Những khả năng mâu thuẫn và những mong muốn tương phản ở đứa trẻ châu Mỹ luôn luôn giải thích qua sự giao nhau của chủng tộc, trong trường hợp này, như thường lệ, là vấn đề huyết thống. Neruda coi mình là một người da trắng thuần chủng, giống như bất kỳ một người lai nào, tiếp nhận văn hóa châu Âu và quên nguồn gốc hai phía của mình. Những người bạn Tây Ban Nha của Neruda mỉm cười trìu mến trước câu trả lời với niềm tin ngây thơ của anh ấy. Mặc dù nhìn vẻ ngoài của anh ấy sự pha trộn huyết thống không thật rõ ràng – trong ánh nhìn, trong vẻ chậm rãi của cử chỉ, và đặc biệt ở lời nói – thơ ca của anh ấy có những tiếng vọng của phương Đông, có một sự đối kháng tích cực của những dòng máu khác nhau. Vì rằng sự pha trộn của các chủng tộc có những khía cạnh bi kịch khác nhau, và có lẽ chỉ trong nghệ thuật nó mang lại lợi thế và sự giàu có không thể tranh cãi. Sự giàu có này tạo nên cơn lũ cảm xúc và ngôn ngữ của Neruda, sự kết hợp vẻ chua cay với sự nghiêm túc của tôn giáo và nhiều thứ nữa, chúng ta xem như là một hệ quả hiển nhiên của pha trộn trong đó dòng máu Tây Ban Nha và dòng máu của người da đỏ bản xứ. Phương Đông đặt dấu ấn lên một nhà thơ bất kỳ, tuy nhiên với một người phương Tây thì phương Đông chỉ có ích một nửa và làm mất phương hướng hơn là củng cố. Nhưng cát bụi da đỏ của Neruda sôi lên ngay từ sự gặp gỡ đầu tiên với châu Á. “Trú ngụ trên trái đất”âm thầm kể về cuộc gặp gỡ xúc động sâu xa này. Nó cũng đưa ra một bí mật rằng, khi người lai mở ra những cửa cống của mình thì toàn bộ bản chất của mình sẽ tuôn thành một dòng chảy mạnh mẽ. Sự mô phỏng của chúng ta theo người Mỹ trông thật đáng thương, còn sự trở về với chính mình – luôn luôn có một sự thành công.
Và bây giờ chúng ta phát âm từ “thuộc Mỹ” rất hay. Neruda thường xuyên nhắc tới Whitman – không chỉ bằng những dòng thơ của mình với những đốt xương sống titanic, mà còn bằng hơi thở dài và sự thoải mái tự nhiên của người Mỹ không biết đến sự trói buộc hay trở ngại nào. Sự “thuộc Mỹ” trong tập thơ này được thể hiện trong sức mạnh tự do, trong sự can đảm hạnh phúc, trong khả năng sinh sản không ngừng.

Thơ đương đại của châu Mỹ (nó đã không còn gọi là modernismo (chủ nghĩa hiện đại) mà cũng không là ultraismo (chống lại modernismo) phần nhiều nhờ công lao của Neruda, người đã đứng lên bảo vệ nó bằng sự phản đối không khoan nhượng. Sau làn sóng thơ ca đầu tiên của Neruda có một cơn thủy triều mạnh mẽ đã đưa vào bờ tất cả những gì giấu trong lòng biển khơi, tất cả tài năng mà những ngọn sóng trước đó chỉ mang đến một phần rất ít ỏi.

Đất nước tôi phải bày tỏ lòng biết ơn đối với Neruda. Chile vẫn luôn là một đất nước sục sôi và mạnh mẽ. Tuy nhiên, văn học của chúng ta, nơi mà nhiều năm qua dưới sự lãnh đạo của một Thượng viện lười biếng thời Bello và giả cổ điển thời gian tiếp theo – chỉ thỉnh thoảng, trong một số văn bản cho phép vượt qua bức tường lửa chủng tộc, vì thế tinh thần Chile xuất hiện trong các hợp tuyển khô khan, chậm chạp và buồn tẻ. Neruda với “Trú ngụ trên trái đất” đã mang đến cho nấm men Chile một khả năng để thoát khỏi cảnh tù túng, đảm bảo cho chúng ta một tương lai thơ ca vinh quang và nở hoa kết trái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét