Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

CHILE - Gabriela Mistral


Gabriela Mistral (1889-1957) tên thật là Lucila Godoy de Alcayaga - nữ nhà thơ Chilê, giải Nobel Văn học năm 1945.

Tiểu sử:
Sinh ngày 7-4-1889, làm giáo viên trường làng từ năm 16 tuổi và sau đó trở thành hiệu trưởng của nhiều trường trung học. Khi còn là một cô giáo phụ giảng ở trường làng, cô gái Lucia Godoy de Alcayaga yêu chàng công nhân đường sắt có tên là Romelio Ureta. Sau một thời gian hai người đính hôn nhưng chưa làm lễ cưới vì họ rất hay cãi nhau. Trong một lần xích mích, không hiểu gay gắt đến mức nào mà cuối cùng chàng trai đã chọn cho mình cái chết bằng cách treo cổ tự tử. Cô gái vô cùng đau đớn vì cái chết này và chính trong những ngày đau đớn tột cùng đã viết ra những bài thơ đầu tiên: Những bài sonnê cái chết (Sonnetos de la muerte). Ba bài sonnê mang một cái tên chung này được tặng giải nhất trong cuộc thi thơ ở thủ đô Santiago có tên gọi “Festival hoa”. Vì ngại rằng những bài thơ tình kia có thể ảnh hưởng không tốt đến nghề giáo nên cô đã lấy bút danh là Gabriela Mistral. Đây là tên của nhà văn Italia, Gabriele D’Annunzio (1863-1938) và họ của nhà thơ Provence, Frederich Mistral (giải Nobel Văn chương năm 1904) – những người mà cô giáo Lucia Godoy yêu mến nhất.

Năm 1922 in tập thơ Tuyệt vọng (Desolasion) gây chấn động trên văn đàn Mỹ-Latinh. Cũng trong năm này bộ trưởng giáo dục Mexico mời bà làm cố vấn cho cải cách giáo dục ở Mexico. Sau đó bà là thành viên của Ủy ban Văn hóa Liên minh các quốc gia, là lãnh sự của Chilê ở nhiều nước và giảng viên của nhiều trường Đại học. Bà có ảnh hưởng rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục của ChileMexico. Từ năm 1924, bà được giao trọng trách điều hành tòa lãnh sự Chile lần lượt tại các nước Nepal, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brazil và Mỹ. Bà cũng là thành viên của ủy ban Văn hóa Liên minh các quốc gia. Bà đã được nhận bằng danh dự của các trường đại học Frolence, Guatemala và là giảng viên của trường cao đẳng Middlebury, đại học Columbia, Warsaw và Puerto Rico. Tuy nhiên, điều làm bà nổi tiếng không phải là sự nghiệp giáo dục, chính trị, mà là thơ văn.

Thơ của Gabriela Mistral có một khát vọng và nỗi đam mê hiếm thấy, mà đặc biệt, là những suy ngẫm về cái chết – điều chưa từng có trước đó trong thơ ca bằng tiếng Tây Ban Nha. Thơ của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. Nhiều nhà thơ lớn Mỹ-Latinh chịu sự ảnh hưởng của phong cách thơ G. Mistral. Năm 1945 bà được trao giải Nobel Văn chương, trở thành người Mỹ Latinh đầu tiên đoạt giải thưởng này. Gabriela Mistral mất ngày 10-1-1957 tại New York.

Tác phẩm:
- Những bài Sonnet cái chết (Sonnetos de la muerte, 1914), thơ.
- Nỗi tuyệt vọng (Desolación, 1922), thơ.
- Dịu dàng (Ternura, 1924), thơ.
- Hủy diệt (Tala, 1938), thơ.
- Lời nguyền xa (La palabra maldita, 1950), tiểu luận.
- Máy ép (Lagar, 1954), thơ.
- Máy ép II (Lagar II, 1991), thơ.



Một số bài thơ đã dịch ra tiếng Việt

1.NHỮNG BÀI SONNÊ CÁI CHẾT

I
Trong bốn bức tường bê tông lạnh giá
Không phải cho anh, em sửa lại điều này:
Anh sẽ chờ gặp gỡ với em đây
Giữa ánh sáng, tiếng xạc xào hoa lá.

Em sẽ đặt anh vào chăn chiếu lạ
Anh của em, trong buốt giá đêm đen
Thành cát bụi, êm hơn cả nôi êm
Trong đất mẹ ngọt ngào anh hãy ngủ.

Em sẽ trộn vào đất phấn hoa hồng
Cho đến khi trăng trên trời còn thở
Anh sẽ không cần nỗi sợ, hờn ghen.

Em hạnh phúc, vô tội về với anh
Bởi từ nay địch tình không còn nữa
Chỉ còn đây cát bụi của riêng em!

II
Nhưng đến ngày với nỗi đau thân thể
Linh hồn anh thỏ thẻ bên tai em:
Đã chán chê những lối nhỏ màu hồng
Không còn đi theo những người vui vẻ.

Và ngục tối sẽ rung lên thật mạnh
Xẻng đào lên, đát sét vỡ tung ra
Hai chúng mình sẽ trò chuyện thoả thuê
Nói chán chê thâu đêm và suốt sáng.

Em sẽ cùng anh ngồi trong hoang vắng
Hiểu vì sao không đi hết đường mình
Anh đi vào cõi chết giữa ngày xanh

Và trở nên rõ ràng điều bí ẩn:
Rằng trời sinh em là để cho anh
Sao anh ra đi, chọn cái chết cho mình?

III
Giờ phút đau thương những bàn tay ác độc bắt anh
Để những vì sao trên trời cũng buồn đau đứng lặng
Anh ra đi, từ giã muôn đời bông huệ kia màu trắng
Tại vì sao cho bàn tay kia anh trao trái tim mình?

“Người yêu của con – em lạy Chúa lòng lành –
Chết trên con đường lỗi lầm. Người tiễn đưa không biết
Xin giành lấy cho con từ bàn tay oan nghiệt
Hoặc cho ngủ thật say rồi tính sổ với trần gian.

Không đáp lại một lời, con không giữ được anh
Ngọn gió đen đã mang con thuyền đi ra biển
Không trả thuyền về – giữ thuyền trong nước cóng”.

Bất lực chạy ra xa, chìm xuống con thuyền hồng
Chẳng lẽ thuyền không yêu, lòng thương thuyền nén nhịn
Ngày phán xét cuối cùng xin Ngài tha tội cho con!




CHỜ TRONG VÔ VỌNG

Em quên một điều, đã không còn nữa
Những bàn chân rất mau lẹ của anh
Và em bước ra như những ngày xanh
Trên con đường để cùng anh gặp gỡ.

Với bài hát em đi qua thung lũng
Nhưng tội nghiệp thay giọng hát của em
Còn buổi chiều đem chiếc cốc của mình
Lật úp ngược, còn anh thì không đến.

Và những tia mặt trời rắc lên
Rồi cháy đỏ bừng lên trong nắng
Trên cánh đồng sương còn dăng đường viền
Còn em đây chỉ một mình… đứng lặng.

Những cành cây gầy guộc héo hon
Vẫn rung động, bồn chồn trong ngọn gió
Khi đó em kêu lên trong nỗi sợ:
“Anh ở đâu, hãy đến với em!

Em yêu anh với một nỗi kinh hoàng
Anh ở đâu, với em hãy đến!”
Nhưng màn đêm chìm trong im lặng
Cơn mê sảng của em không thể ngăn kìm.

Em quên rằng anh đã chẳng còn nghe
Những lời em điên cuồng gào gọi
Em đã quên cái vẻ lặng câm kia
Và màu trắng nặng chìm như chì thỏi.

Đôi mắt em mở to lặng nhìn
Chỉ đôi mắt mà chẳng còn lời nói
Đôi bàn tay bất động của anh
Đến tay em không thể nào với nổi.

Đêm rót ra dải nhựa đen của mình
Như nước vũng. Trên đồng đang vỗ cánh
Và với giọng rì rào nghe khiếp đảm
Vang lên lời dự đoán của cú đêm.

Em từ nay sẽ chẳng còn gọi anh
Những năm tháng của mình, anh đã sống
Chỉ mình em vẫn dạo bước chân trần
Hãy yên nghỉ, quên những điều lo lắng.

Và sau này, trên con đường hoang vắng
Em lại vội vàng chạy đến gặp anh
Nhưng ảo ảnh xương thịt không trở thành
Trong vòng tay của em giang rộng.



GẶP LẠI ANH

Không còn nữa bao giờ – không đêm vắng
Sao chập chờn, không giữa buổi bình minh
Không buổi chiều trong mệt mỏi cháy lên.

Không trên lối mòn, trên đồng, trong rừng nhỏ
Chẳng bên sông dòng nước lặng thì thầm
Và như mắt, ngời sáng giữa ánh trăng.

Không còn dưới mái tóc rừng buông xõa
Nơi em gọi anh, nơi em đợi, em chờ
Không ở trong hang, nơi tiếng vọng em nghe.

Không, dù không ở đâu nhưng còn gặp lại
Giữa sao trời, trong bão tố cuồng điên
Trong nước mắt đầy vơi, dưới mảnh trăng nguyền!

Và sẽ cùng nhau bốn mùa xuân hạ thu đông
Để những bàn tay sẽ dịu mềm hơn không khí
Quanh vòng cổ tím bầm đầy vết máu của anh!


KHÔNG NGỦ

Em bắt gặp cái vòng hoa ngày ấy
Và run lên với nỗi sợ của mình
Em cứ ngỡ như khắp nơi giăng bẫy:
Anh chưa đi? Anh vẫn ở gần em?

Giá được vui, gặp lại niềm hạnh phúc
Và trả lời bằng ánh mắt vô tình
Nhưng trong mơ, em đã quen mất mát
Nhắc lại: anh chưa đi? anh vẫn ở gần em?



YÊU TÌNH(1)

Tỏa sáng như mặt trời, làm bạn với rừng xanh
Giẫm trên đất và vẫy vùng trong gió
Em đừng xua tình đi như ý nghĩ
Em hãy lắng nghe tình!

Tiếng nói của đồng và tiếng nói của chim
Lời thủ thỉ – nhưng là lời của biển
Em đừng giơ tay dọa, em đừng giận
Em không đuổi được tình!

Tình đến như ông chủ, không cần phải thanh minh
Khi đập vỡ bình hoa, làm tan nước đá
Em đừng buồn, không dễ dàng chối bỏ
Hãy mở cửa cho tình!

Tình bước vào nhà, thỏ thẻ bên tai em
Những lời khôn ngoan, những lời nhỏ nhẹ
Chúa không cứu được em, không ai có thể
Em hãy tin!

Như sợi dây lanh, tình buộc vào tay em
Nhưng mà em không thể nào thoát được
Và em đi theo tình, dù em vẫn biết
Em đi vào cõi tiên!(2)
___________
(1)Amo Amor.
(2)”Cõi tiên” ở đây là cõi chết.



SỰ DỊU DÀNG

Em đang hát cho anh
Bài ca không ác độc
Như nụ cười, dịu dàng
Vách đá và gai góc.

Em đang hát cho anh
Xua đi điều giận dữ
Như hơi thở, dịu dàng
Rắn độc và sư tử.


GIỌT SƯƠNG

Xưa có bông hoa hồng
Ướt đầm sương buổi sớm
Đứa con ở trong tim
Mãi cùng ta năm tháng.

Bông hoa hồng co vào
Để giọt sương giấu mặt
Tránh ngọn gió bay cao
Để giọt sương không mất.

Giọt sương đi đến đây
Từ bao la vũ trụ
Và tình yêu trong đời
Cho giọt sương hơi thở.

Vì hạnh phúc, hoa hồng
Im lặng hơn hết thảy
Giữa tất cả hoa hồng
Không ai vui nhường ấy.

Xưa có bông hoa hồng
Ướt đầm sương buổi sớm
Đứa con ở trong tim
Mãi cùng ta năm tháng.



TÌNH CÂM NÍN

Giá mà em căm thù được anh như con thú
Để căm thù trên gương mặt khi đến gặp anh
Nhưng em yêu và tình yêu em thổ lộ
Bằng lời của con người tăm tối, bấp bênh.

Anh muốn lời tỏ tình trở thành thổn thức
Muốn tiếng thì thầm của lửa, của vực sâu
Nhưng với dòng chảy của mình bí mật
Lời đốt lên – không phải của tim đâu.

Em – sự im lặng của cửa sông nước mặn
Và ngỡ như tia nước lặng của đài phun
Sự im lặng của em đáng rủa nguyền, đau đớn
So với cái chết thì nó còn tệ hại hơn!


CHÚA TRỜI MUỐN THẾ

I
Mặt đất sẽ trở thành mẹ ghẻ, nếu như
Nỗi lòng em bị lòng anh phản bội
Vì đau khổ sẽ giật mình run rẩy
Cả đất trời, cả biển, cả không gian.
Còn khi mà anh âu yếm cùng em
Cả vũ trụ sẽ vô cùng quyến rũ
Ta sánh đôi bên bụi kim anh tử
Chỉ nhìn nhau, không nói một câu gì
Và tình yêu như bụi kim anh kia
Tỏa mùi hương ngạt ngào cho hai đứa.

Nhưng mặt đất sẽ bao trùm đểu giả
Nếu như tình anh phụ bạc tình em
Bài hát ru cho trẻ chẳng hát lên
Sự im lặng em vẫn còn gìn giữ
Trong tim em sẽ tắt hình bóng Chúa
Cánh cửa, nơi em đang sống bây giờ
Sẽ bẻ bàn tay của kẻ nghèo kia
Và sẽ đuổi người mù ra khỏi cửa.

II
Khi anh hôn cô gái khác
Thì em đây biết được, em nghe
Từ trong hang sâu thẳm vọng về
Những lời của anh vẫn nhắc.

Dù trong rừng hay trên đường mờ mịt
Em vẫn đi tìm những vết chân anh
Em đi tìm anh, anh ở trong rừng
Tìm gương mặt của người anh yêu nhất
Trong những đám mây hiện trước mặt em.
Anh như kẻ trộm hãy chui xuống đất
Hãy đi tìm yên lặng với người tình
Nhưng anh hãy giơ cao gương mặt
Còn em trong nước mắt đứng trước anh.

III
Chúa sẽ không dành cho anh mặt đất
Nếu như anh không đi dạo cùng em
Chúa không muốn để cho anh uống nước
Nếu như em trên nước chẳng đứng lên
Và Chúa sẽ không cho anh ngủ yên
Nếu mỗi ngày anh cùng cô gái khác.

IV
Anh ra đi – trên con đường của mình
Ngay cả rêu vẫn làm em đau nhói
Nhưng đói khát vẫn ở bên triền sông
Và trong rừng, sẽ còn theo anh mãi.
Nỗi đau của em ngự trên đầu anh
Ở khắp nơi như hoàng hôn đỏ chói.

Tên của em thoát ra từ giọng lưỡi
Dù tên người ta anh vẫn gọi lên
Em như muối mặn bám vào cổ anh
Anh không biết làm sao quên người ấy
Em buồn bã, căm thù, em ca ngợi
Chỉ mong anh gọi em đến một mình.

V
Nếu anh chết một mình nơi xứ lạ
Thì anh hãy giang rộng cánh tay mình
Gom về chốn ấy nước mắt của em
Và mười năm hãy nằm trong đất nhé
Rồi thân thể của anh sẽ rung lên
Trong nỗi buồn như lúa rung trong gió
Đến một ngày tro bụi của xương em
Vào gương mặt anh người đời chưa bỏ.



BÀI HÁT RU

Biển ru bằng nghìn con sóng
Những lời êm ái, thần tiên
Lắng nghe lời yêu của biển
Tôi ru cho đứa con mình.

Lang thang trên đồng ngọn gió
Vỗ về lúa mạch từng đêm
Lắng nghe lời yêu của gió
Tôi ru cho đứa con mình.

Đức Chúa trên nôi cúi mình
Đôi mắt Ngài đang nhìn ngó
Cảm nhận bàn tay của Chúa
Tôi ru cho đứa con mình.


NHỮNG KHÚC HÁT SOLVEIG(1)

I
Trong vòng tay ôm của những con đường
Đất ngọt ngào như môi người trần thế
Đất vẫn ngọt như ngày anh còn ở
Tình yêu ơi, em chờ gặp cùng anh.

Em ngó nhìn vào dòng sông thời gian
Nhìn số kiếp ba đào trong lo lắng
Em đợi anh trở về từ xa thẳm
Bao bọc trên mặt đất những con đường.

Sống bằng anh, như rượu, tâm hồn em
Đau đớn vì anh nhưng chưa chết hẳn
Em nín thở, mắt nhìn vào xa vắng
Ôm ấp lên mặt đất những con đường.

Chúa Trời thấy em trong vòng tay anh
Khi em chết, em trả lời với Chúa
Nếu Ngài hỏi, anh ở đâu lần lữa
Và sao quên đường quay trở về em?

Trong thung lũng tiếng cuốc xẻng vang lên
Và em đang đi về gần ngôi mộ
Em vẫn đợi chờ anh, anh yêu ạ
Con đường ôm mặt đất chẳng vô tình!

II
Sườn dốc núi, trên con đường của mình
Những cây thông phủ bóng màu xanh thắm
Trên lồng ngực của ai còn âu yếm
Anh ngả lên, có phải thế không anh?

Trên dòng suối tiếng nước chảy rì rầm
Hướng dòng nước một đàn cừu tấp nập
Ai người lên bờ môi ai ép chặt
Có phải người một thuở đã từng hôn?

Đang cười vui với gió những cây phong
Cành run rẩy, cúi mình vào mặt đất
Nhưng nghe như tiếng trẻ con đang khóc
Rồi ngả vào trong lồng ngực của em.

Em chờ anh đằng đẵng ba mươi năm
Em ngồi đây, đợi chờ bên cánh cửa
Tuyết vẫn rơi mà anh không về nữa
Tuyết nằm lên tất cả mọi con đường.

III
Mây đen đầy trời, thông khóc nỉ non
Giống như người, gió gào trong lo lắng
Mây bao trùm mặt đất như tuyết trắng
Như Peer Gynt về đây tìm thấy con đường!

Đêm dè dặt và dày đặc màn sương
Xin một chút thương cho người phiêu lãng
Đôi mắt em khổ vì đêm mù quáng
Như Peer Gynt về đây tìm thấy con đường!

Tuyết rơi to và ngày một dày hơn
Kẻ lạc lối có ai người giúp đỡ
Tuyết dập của người mục phu đống lửa
Như Peer Gynt về đây tìm thấy con đường!
_____________
(1)Canciones de Solveig [Solveig Songs]. Solveig là tên một nhân vật nữ trong vở kịch thơ Peer Gynt, 1867 nổi tiếng thế giới của nhà soạn kịch Na Uy, Henrik Isben (1828-1906). Khúc hát Solveig nổi tiếng thế giới qua hai tổ khúc của nhạc sĩ Edward Grieg (1843-1907) viết cho vở kịch nói trên. Peer Gynt là một chàng trai nông dân thể hiện sự yếu đuối của tâm hồn con người. Vở kịch nổi tiếng này là biểu tượng cho sự phân định giới hạn của Isben với chủ nghĩa lãng mạn và việc lý tưởng hoá tính cách của chủ nghĩa lãng mạn.





HÃY ĐƯA TAY CHO EM


Đưa tay cho em, chúng mình sẽ nhảy
Đưa tay cho em và hãy chiều em
Em như là bông hoa đơn lẻ vậy
Một bông hoa – và chỉ thế thôi anh.

Hòa nhịp hát, em cùng anh sưởi ấm
Trong bước nhảy em hòa quyện thân mình.
Như bông lúa đang dập dờn trên sóng
Của gió đồng – và chỉ thế thôi anh.

Anh Hoa hồng, còn em – Hy vọng nhé
Nhưng anh sẽ quên tên tuổi của mình
Để anh và em sẽ thành điệu nhảy
Trên ngọn đồi – và chỉ thế thôi anh.



BALADA

Chàng cùng cô gái khác
Đi qua trước mặt tôi.
Con đường thật vui tươi
Nhẹ nhàng cơn gió mắt. 
Chàng cùng cô gái khác
Đi qua trước mặt tôi!

Chàng đã yêu người khác
Mặt đất vẫn nở hoa.
Dù bài ca đang chết
Lặng lẽ giữa mùa hè.
Chàng đã yêu người khác
Mặt đất vẫn nở hoa! 

Chàng ôm hôn người khác
Ở bên bờ biển xanh
Chiếu lên con sóng bạc
Lặng lẽ ánh trăng thanh.
Để tôi buồn tôi khóc
Ở bên bờ biển xanh!

Chàng muốn cùng người khác
Đi vào chốn vĩnh hằng
Ở đó bầu trời khác
(Chúa Trời chỉ lặng im). 
Chàng muốn cùng người khác
Đi vào chốn vĩnh hằng!



SỢ HÃI

Tôi chẳng mong con mình
Sẽ trở thành chim én
Giữa bầu trời bay lượn
Rồi làm tổ ngoài hiên
Với mẹ không đi đến
Để chải tóc cho con.
Tôi chẳng mong con mình
Sẽ trở thành chim én.

Cũng chẳng mong con mình
Sẽ trở thành công chúa.
Làm sao chơi trên cỏ
Khi mang đôi giày vàng?
Và mỗi khi đêm đến
Tôi không nằm bên con… 
Tôi chẳng mong con mình
Sẽ trở thành công chúa.

Và chẳng hề mong muốn
Con gái thành nữ hoàng
Ngồi ngự trên ngai vàng
Nơi tôi không thể đến. 
Làm sao trong đêm vắng
Cất tiếng hát ru con…
Tôi chẳng hề mong muốn
Con gái thành nữ hoàng!


SỰ ÂU YẾM 

Mẹ ơi, mẹ hôn con
Con hôn nhiều hơn nữa
Những nụ hôn như thế
Con xin mẹ đừng nhìn.

Con ong trên hoa huệ
Không vẫy cánh của mình
Khi mẹ giấu đứa con
Không hề nghe hơi thở.

Con nhìn mẹ, nhìn mẹ
Bằng ánh mắt không rời
Con nhìn thấy đứa bé
Trong đôi mắt mẹ vui.

Hồ sao chép mọi thứ
Những gì mẹ đang nhìn
Nhưng tất cả đứa con
Chỉ con trai thôi nhé.

Đôi mắt được mẹ ban
Con phải nhìn phải ngắm
Theo mẹ vào thung lũng
Nhìn biển, ngắm trời xanh. 



GỬI DÂN TỘC DO THÁI  

Chủng tộc Do Thái – Người là dòng sông đau buồn
Chủng tộc Do Thái – Người là xác thân đau đớn
Cả đất và cả trời cũng không hề chứa đựng
Hết nước mắt của Người, đau khổ cứ tăng thêm.

Người ta không hề để cho Người được yên thân
Được nghỉ trong bóng râm để vết thương lành lại
Mảnh băng của Người luôn có màu đỏ cháy
Còn mạnh mẽ hơn màu đỏ của hoa hồng.

Tiếng khóc của Người từ thuở hồng hoang
Thế giới này vẫn nghe và vẫn đầy thương cảm
Tôi nhìn vào những vết thương sâu hoắm
Trên gương mặt Người mà thấy yêu thương.

Những người phụ nữ vẫn đưa nôi ru con ngủ
Còn những đàn ông vẫn làm việc của mình
Trong giấc mơ cơn ác mộng vẫn kinh hoàng
Và một lời vẫn dành cho Người: “xin lạy Chúa”.*

Chủng tộc Do Thái vẫn giữ được nếp nhà
Và giọng nói để dịu dàng cất lên tiếng hát
Dù từng bị giày vò, nỗi sợ trong ánh mắt
Thì hôm nay Người vẫn tiếp tục viết Nhã Ca.

Trong mỗi người phụ nữ có hình ảnh Mẹ Maria
Và trong mỗi đàn ông có dáng hình của Chúa.
Đồi núi Xi-ôn đã từng nghe những lời ân huệ
Nhưng uổng công trong giờ phút nhạt nhòa.

Đám đông sợ hãi khi đó bỏ chạy ra xa
Người đã không nghe ra trong lời Ngài nói
Thì khi đó nàng Ma-đơ-len liền bước tới
Xức dầu cho đôi chân, nơi dòng máu tuôn ra.

Chủng tộc Do Thái – Người là dòng sông đau buồn
Chủng tộc Do Thái – Người là xác thân đau đớn
Cả đất và cả trời cũng không hề chứa đựng
Hết nước mắt của Người, đau khổ cứ tăng thêm!
_________________
* Miserere trong nguyên bản. Đây là câu trong Thánh Vịnh 50 (Miserere mei, Deus, secundum magnam misericordiam tuam) tiếng Việt dịch là: Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con.  



TRÍCH TỪ “TRƯỜNG CA NGƯỜI MẸ”

Đứa con sẽ ra sao?


Đứa con sẽ ra sao? Ta nhìn thật lâu những cánh hoa hồng và với một nỗi hân hoan ta lấy tay sờ lên chúng: ta muốn đôi má của đứa con cũng dịu dàng như thế. Và ta chơi với quả mâm xôi – ta muốn mái tóc của đứa con trai cũng đen và bù xù như thế. Nhưng nếu như nó có màu đất đỏ mà những người thợ gốm rất yêu thích, và nếu như đứa con có mái tóc thẳng và đơn giản, giống như cả cuộc đời ta, thì điều đó cũng không có ý nghĩa gì.

Ta nhìn vào hẻm núi khi dày đặc màn sương và ta ngỡ màn sương là bóng hình của một cô con gái, một cô con gái dịu dàng; thì cũng bình thường, cứ cho đấy là một cô con gái.
Nhưng quan trọng hơn tất cả, ta muốn đứa con nhìn ta với một vẻ dịu dàng như ánh mắt của người chồng, và để trong giọng của trẻ con cũng có vẻ run run như giọng nói của chồng khi nói, bởi vì thế mà ta chờ đợi, ta muốn yêu mến người mà đã hôn ta.    

Nỗi đau muôn thuở


Ta cảm thấy tái nhợt khi đứa con giẫm đạp ở trong ta; ta đau vì cú đạp, và ta có thể chết vì một cú giẫy của đứa con ở trong ta mà ta không nhìn thấy.

Nhưng người đời chớ nghĩ rằng, có vẻ như ta sẽ cảm thấy nỗi đau như vậy, có vẻ như đứa con gắn liền với ta chỉ cho đến khi nó còn ở trong ta. Khi nó đã tự do bước trên đường và ngay cả khi đứa con đi về chốn xa xăm, thì cơn gió đập vào đứa con, cũng sẽ đập vào cơ thể ta như vậy, và tiếng kêu của đứa con cũng từ bờ môi của ta. Tiếng khóc của ta và nụ cười của ta sẽ sinh ra trên gương mặt của con, con trai ạ!

Vì đứa con trai


Vì đứa con trai đang ngủ như một dòng nước nhỏ tưới cho cỏ và hoa, các người chớ hại ta, đừng chất đầy công việc. Xin hãy tha thứ hết: sự không bằng lòng với đồ ăn và sự căm ghét tiếng ồn.

Các người nói với ta về những nỗi khổ gia đình, về sự nghèo túng và về những mối quan tâm khi ta đặt đứa con vào trong tã lót.
Hãy chạm lên trán của ta hay lên ngực, đứa con trai ở đó và nó đang nức nở dường như để đối phó với một vết thương.

Hình ảnh của Trái đất


Ta chưa bao giờ nhìn thấy bộ mặt thật của Trái đất. Trái đất giống như một người phụ nữ với đứa con nhỏ trong vòng tay của mình.

Ta nhận ra ý nghĩa mẹ của sự vật. Ngọn đồi đang nhìn ta, cũng là người mẹ, và trong buổi chiều sương khói trông giống như đứa con nhỏ trên vai và trên đầu gối.
Bây giờ ta nhớ lại một khe núi trong thung lũng. Theo dòng nước sâu bị che khuất bởi vách đá và sự vô hình. Ta cũng giống như khe núi kia, ta cảm nhận dòng suối nhỏ trong ta; như vách đá, ta trao thân mình cho dòng suối nhỏ một khi dòng suối đó chưa tìm ra ánh sáng mặt trời. 

Gửi chồng


Chồng của em, đừng động đến em. Anh gọi đứa con từ thẳm sâu sự tồn tại của em, như một bông hoa từ mặt nước. Hãy để cho em được lặng yên như dòng nước.

Hãy yêu em, yêu em nhiều hơn một chút! Em nhỏ bé, em sẽ trao cho anh người bạn trên những con đường. Em tội nghiệp đáng thương, em sẽ trao cho anh những bờ môi, những đôi mắt khác, để anh tận hưởng cả trời và đất. Em uyển chuyển và linh hoạt, vỡ dập vì tình giống như một chiếc bình, để rượu của cuộc sống sẽ rót ra từ em.
Hãy tha thứ cho em! Em lúng túng vụng về trao cho anh chiếc chén; nhưng mà bởi vì anh tạo ra em như thế, và bây giờ em bước đi giữa những sự vật thật khó khăn.

Hãy dịu dàng với em một chút nhiều hơn. Đừng làm nóng lên dòng máu của em và đừng làm hồi hộp trong từng hơi thở của em.


Em bây giờ chỉ là một chiếc màn nhẹ nhàng; toàn bộ cơ thể của em là một chiếc màn che cho đứa con trai đang ngủ.


Mẹ


Mẹ đến thăm ta; mẹ ngồi bên cạnh, và lần đầu tiên trong đời, giống như hai chị em nói về những thử thách ghê gớm. 

Bàn tay mẹ run run sờ trên bụng và mẹ thận trọng mở áo ngực của ta. Ta cứ ngỡ như là từ sự chạm của bàn tay mẹ mà tất cả được mở ra với sự dịu dàng của lá, và có một con sóng ấm áp tràn ngập trong lòng.
Một chút đỏ mặt, chút luống cuống ngượng ngùng, ta nói về những nỗi đau của mình và nỗi sợ trong cơ thể; ta ngã vào ngực mẹ; và lần nữa ta trở thành một đứa bé đang khóc trong vòng tay của mẹ mình vì nỗi sợ hãi trước cuộc sống trần gian. 

Mẹ hãy kể cho con


Mẹ hãy kể cho con nghe tất cả những gì mà mẹ còn nhớ về sự đau đớn của mình. Mẹ hãy kể rằng con được ra đời như thế nào và đứa con của con sẽ ra đời ra sao, đứa con còn nằm trong bụng con hở mẹ.

Mẹ hãy kể, đứa con sẽ tự hướng về vú mẹ hay là con phải tự mình đưa vú cho con?
Mẹ hãy kể về kiến thức tình yêu của mình. Mẹ hãy dạy cho con cách vuốt ve dịu dàng, dịu dàng hơn sự ve vuốt của chồng.
Con phải làm thế nào để gội đầu cho con? Và làm sao đặt nó vào tã lót mà không làm đau con?
Mẹ hãy dạy cho con bài hát ru mà mẹ đã từng hát ru con. Bài hát này đưa đứa con vào giấc mộng tốt hơn bất kỳ bài ca nào khác. 

Qui luật thiêng liêng


Người đời nói rằng có vẻ như cuộc sống chập chờn trong cơ thể ta khó nhọc, và máu chảy trong tĩnh mạch, như chùm nho trong máy ép, nhưng ta chỉ cảm thấy sự nhẹ nhàng trong lồng ngực, như sau một hơi thở thật dài.

Ta là ai? – ta tự nói với mình - để giữ đứa con trên đầu gối.
Và với mình, ta nói:
- Là người phụ nữ đã từng yêu, và tình yêu sau nụ hôn đầu, đòi hỏi sự dài lâu.
Mặt đất nhìn ta và đứa con trai mà ta bế trên tay, cám ơn ta vì từ nay ta hữu sinh và thánh thiện, như những luống đất cày và những cây cau.



 Gabriela Mistral. Tôi làm thơ như thế nào

Tôi thử kể với các bạn về việc tôi làm thơ như thế nào, mặc dù không chắc là tôi có những ý nghĩ rõ ràng và có ích gì về việc tôi làm thơ ra sao. Khi mọi người đề nghị tôi nói về đề tài: “Tôi làm thơ như thế nào?” thì tôi lại nhớ đến đường parabol thú vị của Pedro Prado, một người đồng hương của tôi. Pedro Prado viết rằng một hôm có một quí bà ghé vào vườn hoa và đề nghị người làm vườn xin một bông hồng với vẻ vô tình, không hề suy nghĩ, vốn là thuộc tính của phái nữ chúng tôi. Nhưng người làm vườn này là một con người không hề đơn giản, hiểu biết rất nhiều điều, tóm lại là một người từng trải, đã nói với quí bà: “Tôi sẵn lòng cho chị bông hoa hồng như chị muốn, chỉ có điều chị hãy cắt bông hoa từ cái nơi mà nó bắt đầu”. Người phụ nữ không suy nghĩ gì, định cắt vào chỗ giữa thân cây. Người làm vườn nói: “Ồ không phải, hoa hồng không phải bắt đầu từ đó. Chẳng lẽ chị cho rằng bông hoa được bắt đầu từ giữa thân cây sao?” “A-ha!” – quí bà kêu lên. Rồi hạ thấp chiếc kéo xuống một chút. “Không phải – người làm vườn lại kêu lên – chị nhầm rồi. Chị nghĩ là bông hoa nở phía trên được bắt đầu từ đây sao? Thế bông hoa lấy dinh dưỡng từ đâu để tươi tốt?” “A-ha!” – quí bà kêu lên rồi định cắt sát gốc. “Ồ không, chẳng lẽ bông hoa bắt đầu từ đây? Thế còn rễ?” “A-ha! – nghĩa là phải nhổ cả gốc”. Người làm vườn nói với quí bà: “Chị cho rằng bông hoa bắt đầu từ bộ rễ à? Thế tất cả những gì mà bông hoa có được bắt đầu từ đâu?” Quí bà cảm thấy thất vọng và không dám cắt bông hoa hồng. Chúng ta cũng biết nơi bắt đầu của một bài thơ theo cách như vậy. Liệu có phải bài thơ được bắt đầu từ cái giây phút khi ta ta viết ra nó? Ồ không phải! Liệu có phải nó được bắt đầu từ cái phút giây mà cảm xúc của ta được kích thích, khi có một cái gì đó đập vào ta? Bởi vì thân xác của ta cần thời gian để trở nên mềm mại, để cảm nhận được cú đập này. Chắc là cần hướng ánh mắt vào tất cả những ai làm chủ trái tim ta để chuẩn bị cho cơ thể có khả năng tiếp nhận những cú đập tương tự. Do đó, điểm khởi đầu từ thời thơ ấu – nơi bắt đầu tất cả mọi thứ. Nhưng chúng ta sinh ra, mang theo mình vốn sống có từ lâu, và những nghĩa vụ to lớn. Một công việc không hề dễ dàng chút nào! Bạn hãy thử tính xem, những bài thơ được làm ra từ đâu! Còn đàn ông các anh, những kẻ tò mò để ý chúng tôi, có biết rằng phụ nữ chúng tôi không viết những gì đồ sộ to lớn như Buffon, người trong lúc chờ đợi cảm hứng đến đã mặc áo khoác dải đăng ten và ngồi bên chiếc bàn màu đen với vẻ trang trọng của cả hoàn vũ. Xem ra đàn ông cũng hiếu danh, thậm chí còn hơn cả phụ nữ chúng tôi.

Khi viết, tôi đặt lên đầu gối của mình một tấm bẳng nhỏ mà cả những lúc đi xa tôi không bao giờ từ bỏ nó, còn bàn làm việc không hề phù hợp với tôi – không ở Chilê, không ở Paris hoặc Lisbon. Tôi viết vào buổi sáng hoặc vào đêm khuya, còn buổi tối không bao giờ mang lại cho tôi cảm hứng, và tôi không biết lý do tại vì sao buổi tối không có kết quả như vậy. Hình như tôi viết một dòng nào trong căn phòng đóng kín hoặc trong căn phòng có cửa sổ hướng ra những bức tường buồn tẻ của những ngôi nhà thành phố. Tôi luôn luôn hướng ánh mắt vào bầu trời, mà ở Chilê thì có một màu xanh tinh khiết, còn ở Châu Âu – có màu trắng. Tâm trạng của tôi được nâng cao khi đôi con mắt già nua của tôi nhìn vào màu xanh dịu dàng của cây lá. Một khi tôi còn là một người dân, một khi tôi còn sống trên đất quê hương, giữa những đồng bào mình thì tôi viết về những cái gần gũi bên cạnh mình. Tôi đã viết, như người ta thường nói, về những đề tài thân thuộc. Kể từ khi tôi tự nguyện lựa chọn số phận của kẻ lưu đày, kể từ ngày tôi cất bước tha hương thì tôi ngỡ là tôi đang viết giữa những bóng ma bao phủ bởi sương mù. Kể từ đó cả thế giới – không khí, bầu trời, mặt đất – mang lại cho tôi chỉ một cảm giác tuyệt vọng, saudade (nỗi buồn vô hạn – tiếng Bồ Đào Nha). Đất châu Mỹ, những người thân của tôi – những người còn sống hay đã chết – đã quay trở về trong nỗi buồn của tôi, cả một đoàn hộ tống chung thủy không chỉ giữ gìn tôi mà còn vây hãm, đè nén và chỉ rất ít khi cho phép đôi mắt nhìn phong cảnh và những người ở nơi xứ lạ. Như một quy luật, tôi viết chậm, và đôi khi – với một vận tốc thẳng đứng của đá trượt xuống từ dãy núi Cordilleras. Nhưng trong mọi trường hợp, nếu một cái gì đó đột nhiên bị buộc phải dừng lại thì tôi không thể giữ được sự bực bội. Tôi luôn luôn có trong tay bốn, năm cây bút chì gọt sẵn, bởi vì tôi vốn lười biếng và đã quen nghĩ rằng tôi được ban tặng tất cả, trừ những bài thơ của tôi. Ngày mà tôi còn vật lộn với từ ngữ, đòi hỏi chúng phải có một cường độ vô hạn, tôi luôn nghe tiếng nghiến răng giận dữ hoặc tiếng cót két của giấy nhám mài trên cột sống của tiếng mẹ đẻ. Còn bây giờ tôi đã không sợ với từ ngữ mà với những thứ hoàn toàn khác. Và với sự thờ ơ, thậm chí thù địch, là thái độ của tôi đối với những bài thơ của mình có giọng điệu xa lạ vì có quá nhiều xúc cảm. Tôi không tự bào chữa cho mình, không, bây giờ tôi chỉ quí những bài thơ mà tôi nghe thấy ngôn ngữ tôi tự nói, những gì mà Don Miguel, một người vĩ đại của xứ Basque gọi là lời sống động. Tôi sửa chữa nhiều hơn bạn đọc nghĩ. Dù sao thì sau khi gọt giũa những bài thơ vẫn còn gai góc và thiếu trau chuốt. Tôi thoát ra từ cái mê cung, từ cái đầu mối khó khăn chưa gỡ xong và tôi vẫn làm với cả thơ cũng như với văn xuôi. Đối với tôi viết là một niềm vui. Tôi cảm thấy ấm áp hơn trong lòng vì điều này và mỗi ngày trở nên dịu dàng và ngây thơ như với trẻ con. Tôi sống trong mỗi ngày như vậy với cảm giác như được sống mấy giờ ở quê hương mình. Tôi cảm thấy thoải mái, hoàn toàn tự do mỗi khi tôi làm thơ, dù thơ hay hoặc không, và tôi có một trạng thái tinh thần giống như tôi được gắn bó với những sinh linh sống động, gắn bó với cả thế giới. Tôi thích viết trong căn phòng được dọn sạch sẽ bởi vì tôi, về bản chất, là một người không có tổ chức. Trật tự này dường như mang lại cho tôi sự khoáng đãng và sự khát khao khoáng đãng là đặc trưng của đôi mắt và tâm hồn tôi. Đôi khi tôi làm thơ theo nhịp điệu của chiếc xe ngựa đi trên đường phố. Hoặc theo những âm thanh của thiên nhiên mà khi nhiều, khi ít hòa nhập trong nhận thức của tôi về một điều gì đó rất gần gũi với những bài hát ru. Tiếng reo của cây thông và tiếng rì rào của sóng biển, tiếng xào xạc của những cây dương, tất cả những gì mà tai tôi nghe ra sẽ trở thành một bài hát ru, tất cả đến với tôi trong nhịp điệu của bài hát ru. Tuy nhiên, tôi cũng có những bài thơ tường thuật, mà hôm nay được các nhà thơ trẻ ưu ái. Thơ ca – luôn luôn là liều thuốc tốt cho cảm xúc của tôi và những gì mà chúng ta gọi là linh hồn, nhưng thơ của người khác hơn là thơ của chính mình. Và cả thơ người lẫn thơ mình bắt chạy nhanh hơn vào máu, vào từng đường gân thớ thịt, giữ cho tôi tính trẻ con, cho phép tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ. Thơ ca đối với tôi – đơn giản là một vật trầm tích, một dấu vết của tuổi thơ, của người đã mất. Mặc dù thơ có khi khắc nghiệt, có khi buồn, nhưng những bài thơ mà tôi viết ra đã rửa sạch cho tôi tất cả những bụi bặm của trần gian, và thậm chí tôi không biết còn sự ghê tởm siêu nghiệm nào khác gần với những gì mà chúng ta gọi là nguyên tội, tôi mang sự ghê tởm này trong mình và với một nỗi buồn vĩnh cửu. Tôi không biết, có thể, đây không phải là nguyên tội, mà là sự rơi chung vào cái vực thẳm của sự biểu cảm hợp lý cũng như trái với nhịp điệu, nơi mà cả nhân loại chịu sự trừng phạt, và điều này làm chúng tôi, những người phụ nữ, chịu đau đớn hơn, bởi vì chúng tôi đã đánh mất niềm vui đích thực của ngôn ngữ mà trong đó có âm nhạc và khí thế, và ngôn ngữ này đã phải thuộc về toàn thể nhân loại.

Nói về tuổi thơ, tôi nghĩ rằng có thể định nghĩa về tuổi thơ cũng như về thơ ca vậy, tôi nghĩ về điều này: tôi đã viết một bài thơ, trong đó một đứa bé nói rằng có nhiều thứ nó không thể nhìn ra vì có một hạt bụi trong mắt. Tôi cho rằng chúng ta sinh ra trên đời này, để làm thơ, trong đôi mắt đã có một thanh chắn nằm ngang. Cái xà ngang này bóp méo những gì mà ta nhìn thấy, biến chúng thành các hình dạng khác nhau và làm cho chúng ta thành những vật tương tự và phản hiện thực cho đến cuối đời ta. Vì vậy, cái xà ngang này đôi khi khiến chúng ta nhìn thấy màu vàng, những gì trên thực tế có màu đen, bắt nhìn thấy hình tròn những gì trên thực tế có hình vuông. Và theo ý muốn của nó, chúng ta đi giữa mọi điều kỳ diệu của sự hình dung vô lý. Đôi khi trên gương mặt của người đang hấp hối trong giây phút cuối cùng có một giọt nước mắt lạ lùng chầm chậm trào ra. Dường như đấy là cái thanh chắn từ đôi mắt của nhà thơ ra đi cùng với giọt nước mắt cuối cùng trước khi chết. Và thế là chúng ta đi vào thiên đường, hay là vào nơi nào đấy nữa – với cái nhìn trong trẻo, bởi vì ở nơi đó đã không cần đến cái thanh chắn vốn làm cho biến dạng tất cả những gì mà mắt nhìn thấy.

_____________
* Pedro Prado (1886 – 1952)- nhà thơ, nhà văn, một trong những nhà cải cách ngôn ngữ thơ ở Chilê. 
  



Pablo Neruda về Gabriela Mistral 

Tôi đã nói rằng tôi đã làm quen với Gabriela Mistral ở thành phố Temuco quê hương của tôi. Gabriela đã chia tay mãi mãi với thành phố này. Khi tôi nhìn thấy chị lần đầu tiên, Gabriela đã đi được nửa cuộc đời gian khổ của mình và vẻ ngoài trông giống như một nữ tu hành với một trật tự nghiêm ngặt.

Ở thành phố Temuco của chúng tôi, chị đã viết trường ca về đứa con trai của mình. Chị viết bằng một thứ văn xuôi có vần điệu tinh tế và cảm động của thơ ca. Trong trường ca về đứa con trai, chị, một người phụ nữ chưa bao giờ lập gia đình, nói về việc mang thai, sinh con, về sự chăm sóc con của người mẹ. Thế là khắp thành phố rộ lên những tin đồn rằng có một cái gì đó vô lý, ngây thơ và thô lỗ, và có lẽ, chị đã bị tổn thương bởi những điều thị phi của cư dân Temuco, – tôi biết những kẻ ngổ ngáo, xấc xược bằng ngôn ngữ của những người đốn gỗ và những công nhân đường sắt gọi bánh mì là bánh mì và rượu vang là rượu vang.

Gabriela bị xúc phạm và chị đã không quên sự xúc phạm này cho đến ngày xuống mộ.

Nhiều năm sau chị đã viết lời giới thiệu cho lần in đầu của một cuốn sách, trong đó có nhắc đến những gì người ta đã nói về chị, những gì người ta đã xì xào ở vùng đồi núi bên mép rìa của thế giới.

Khi Gabriela Mistral đăng quang với giải Nobel, trở về từ châu Âu, chị phải đi qua Temuco. Mỗi ngày có nhiều trường học ra chờ đón chị. Các em học sinh đội mưa đi ra nhà ga ôm những bó Copihue (hoa chuông) ướt run rẩy. Copihue là loài hoa của miền nam Chile, loài hoa đẹp và hoang dã của vùng đất Araucanía bất khuất. Nhưng mọi sự chờ đợi đã vô ích. Gabriela đi qua thành phố vào ban đêm, chị đã chọn chuyến tàu thường chỉ để không phải nhận hoa của Temuco.

Tất cả là như vậy. Nhưng liệu điều này có phải là nói xấu về Gabriela Mistral? Tuyệt nhiên không. Điều này cho thấy rằng có những vết thương trong sâu thẳm của tâm hồn nữ thi sĩ không thể chữa lành, không thể thành sẹo. Điều này nói rằng trong tâm hồn của nữ thi sĩ lớn có một sự đối lập như trong tất cả tâm hồn của mọi con người – thương và giận.

Đối với tôi Gabriela luôn luôn có một nụ cười rộng mở thân thiện – hàm răng trắng, hệt như một vệt đau khổ trên gương mặt, như chiếc bánh mì đen.

Thứ kim loại quí là như vậy, những hợp chất nào được nung chảy trong lò sáng tạo của chị? Giọng thơ đau buồn của chị được sinh ra từ những bí ẩn nào?

Tôi sẽ không đi tìm câu trả lời, vì tin chắc là sẽ không tìm thấy nó, mà giá như tìm thấy, tôi sẽ không nói về điều này.

Tháng chín lại về và hoa Hues lại nở. Cả mặt đất như được phủ những gợn sóng màu vàng. Còn trên bờ đại dương suốt bốn ngày đêm cơn gió nam không ngừng cơn thịnh nộ. Đại dương trải một màu thủy tinh xanh và màu titan trắng xóa.

Chị hãy đến với chúng tôi, Gabriela, người con gái thân yêu của những nàng Hues Chile, của những bờ vách đá, của những ngọn gió đại dương. Chúng tôi sẽ đón chào chị với niềm vui sướng hân hoan. Sẽ không một ai quên những dòng thơ của chị đã ngợi ca những bụi cây gai và tuyết của Chilê. Chị là người con gái của Chilê. Chị thuộc về nhân dân. Sẽ không ai quên những dòng thơ của chị về những cậu bé chân trần. Không một ai quên “Lời nguyền” của chị. Chị luôn luôn bảo vệ thế giới. Vì điều này và vì những điều khác nữa mà chúng tôi yêu mến chị.

Chị hãy quay về với Hues, với những bụi gai của Tổ quốc Chilê yêu thương. Và tôi chào đón chị bằng những lời tốt đẹp, những lời sự thật, những lời khắc nghiệt và nở hoa, tương xứng với sự vĩ đại của một giọng thơ và với tình cảm không cách biệt giữa chúng ta. Những chiếc cổng chào được xây bằng đá và được kết bằng hoa sẽ cúi mình chào đón chị. Và con tim này sẽ không có gì thân thiết hơn khi được nhìn nụ cười rộng mở của chị với đất đai quê hương, nơi vẫn hát ca và nở hoa tươi tốt, một khi nhân dân mình còn gieo trồng trên đó.

Tôi xin chia sẻ với chị cái bản chất và sự thật được kính trọng nhờ giọng nói và công việc của chúng ta. Xin hãy để con tim kỳ diệu của chị yên giấc nghìn thu, con tim này vẫn sống, vẫn đấu tranh và sáng tạo trên mảnh đất mà dãy Andes và đại dương ngăn cách khỏi thế giới. Xin hôn lên vầng trán cao thượng và cúi mình trước nguồn thơ vô tận của chị.
_______________
*Đoạn trích từ Hồi ký “Tôi xin thú nhận rằng tôi đã sống” (Confieso que he vidio, 1973) của nhà thơ đoạt giải Nobel, Pablo Neruda.
*Copihue – là tên gọi loài hoa từ một truyền thuyết cảm động về đôi tình nhân: Copih và Hues. Copihue (tên khoa học: Lapageria rosea) là Quốc hoa của Chilê.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét