Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

BA TƯ - Omar Khayyam


THIÊN ĐƯỜNG Ở NƠI ĐÂU

Trong các nhà thơ cổ phương Đông nổi tiếng thế giới Omar Khayyam chiếm vị trí số 1. Hàng triệu quyển thơ ông được in ra đều đặn từ hơn 100 năm nay cho đến bây giờ vẫn thế. 


Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam được dịch ra tất cả các ngôn ngữ châu Âu. Còn châu Á, theo tư liệu chưa đầy đủ, ngoài các ngôn ngữ trong thế giới Hồi giáo, đã có bản tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Hindi, tiếng Uốc-đu… 

Thơ  Khayyam về ý nghĩa cuộc đời người, về sự bất lực của con người trước số phận và thời gian, về những sung sướng và đau khổ của kiếp người, về tuổi trẻ và tình yêu, tuổi già và cái chết, về những lời khuyên răn mà trong đó mỗi người có thể tìm thấy cho mình một điều gì thầm kín chưa từng được nói ra – tất cả đã trở thành tài sản tinh thần của toàn nhân loại. 


Omar Khayyam sinh năm 1048 tại thành phố Nisapur, tỉnh Khorasan, miền đông bắc Iran. Nisapur, theo lời của các nhà sử học, là thành phố lớn, trung tâm văn hoá, thương mại của Ba Tư thế kỷ thứ 11. Khayyam bắt đầu đi học ở trường dòng Nisapur, sau đó tiếp tục tại Balkh và Samarkand, trở thành nhà bác học nổi tiếng thời đó. Khayyam được người đời gọi là nhà bác học, người chứng minh chân lý, ông hoàng triết học Đông-Tây… 


Sự nghiệp khoa học của Khayyam có một thời kỳ gần 20 năm phát triển rực rỡ. Đó là kể từ năm 1074 Khayyam được vua Malik-Shah mời về triều đình theo lời đề nghị của quan đại thần Nizam al Mulk. Khayyam được giao lãnh đạo đài thiên văn mới xây dựng hiện đại, nơi mà theo lời các nhà sử học “tập trung những nhà thiên văn giỏi nhất thế kỷ” và được giao nhiệm vụ lập ra lịch mới. 


Ở Iran và Trung Á trong thế kỷ 11 tồn tại đồng thời hai hệ thống lịch: dương lịch từ thời Bái hỏa giáo và âm lịch được người Arập phổ biến cùng với Islam. Cả hai lịch trên đều có những nhược điểm. Dương lịch Bái hỏa giáo một năm có 365 ngày, việc điều chỉnh chỉ được thực hiện một lần trong vòng 120 năm khi mà sai số đã lên đến một tháng. Âm lịch Hồi giáo có 358 ngày không thuận tiện cho việc nông nghiệp. 


Trong vòng 5 năm tiến hành nghiên cứu ở đài thiên văn cùng với một nhóm các nhà thiên văn học Khayyam đã lập ra lịch mới mang tên “Niên đại Malik-Shah”. Lịch do Omar Khayyam lập ra có độ chính xác cao hơn lịch Gregorian, nơi mà sai số trong một năm là 26 giây. Theo tính toán của các nhà khoa học thế kỷ 20 lịch của Khayyam chính xác hơn lịch Gregorian 7 giây. Chỉ tiếc rằng “Niên đại Malik-Shah” đã không bao giờ được áp dụng vào thực tế. 


Cũng trong thời kỳ này Khayyam viết nhiều công trình toán học. Các tác phẩm về toán học của ông bị thất lạc nhiều và chỉ đến thế kỷ 19 mới được các nhà khoa học châu Âu phát hiện và đánh giá. Chính Omar Khayyam là người đầu tiên nêu lên mối liên hệ giữa đại số và hình học. Trong một công trình toán học của ông các nhà khoa học tìm thấy cốt lõi của Nhị thức Newton. 

Ngoài toán học, thiên văn học trong thời kỳ ở thủ đô Esfahan Khayyam còn nghiên cứu các vấn đề triết học. Ông dịch triết học của Avicenna (Ibn-Sina) từ tiếng Arập sang tiếng Ba Tư và viết 5 tác phẩm triết học còn được lưu giữ đến ngày nay. Sau khi vua Malik-Shak bị đầu độc và Nizam al Mulk bị giết hại trong triều đình bắt đầu một thời kỳ hỗn độn. Cuộc đời của Omar Khayyam bắt đầu một thời kỳ phiêu bạt. Gần cuối đời ông trở về quê hương Nisapur sống bằng nghề dạy học. Năm mất của Khayyam được xác định là 1123. Theo một giả thuyết khác là năm 1131. 

Omar Khayyam nổi tiếng khắp thế giới là một nhà thơ thế nhưng trên quê hương của mình ông chỉ được biết đến là nhà triết học, nhà toán học, thiên văn học. Khayyam trở thành nhà thơ nổi tiếng thế giới là do công của Edward Fitzgerald khi ông in bản dịch “Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam” vào năm 1859. Fitzgerald là người mở đầu trong việc phát hiện Omar Khayyam và sau đấy các nhà khoa học khắp thế giới bắt tay vào việc nghiên cứu Omar Khayyam, mở ra một môn khoa học nghiên cứu gọi là Khayyam học. Trong số những nhà nghiên cứu đi đầu và có những công trình đáng kể nhất về Omar Khayyam có thể kể đến: Nicolas của Pháp, Arberry của Anh, Zhukovsky của Nga, Christensen của Đan mạch, Govinda Tirtha của Ân Độ… 

Omar Khayyam chỉ làm thơ theo thể rubai (trong văn học Ba Tư thế kỉ 11 còn có Baba Taher cũng là người chỉ làm thơ rubai, tuy vậy, rubai của Baba Taher khác với rubai của Khayyam về hình thức cũng như về phong cách). Thơ rubai được gieo vần theo sơ đồ aaba (một ít bài aaaa) là thể thơ có nguồn gốc dân gian Ba Tư. 


* * * 
Tư tưởng chủ đạo trong thơ của Omar Khayyam là đề cao nhân phẩm con người, khẳng định rằng mỗi con người sống trên đời có quyền được hưởng những lạc thú của đời sống ở chốn trần gian. Chỉ với điều này cho phép chúng ta gọi ông là một nhà nhân văn vĩ đại của quá khứ. 


Omar Khayyam cho rằng cuộc đời người là vốn quí, mỗi người cần được nhận về phần hạnh phúc của mình. Hạnh phúc không phải ở chốn thiên đàng hay nơi cực lạc sau khi chết như tôn giáo vẫn khẳng định mà hạnh phúc trên cõi đời này và trong ngày hôm nay. 


Mỗi sáng dậy ta lại bắt tay nhau 
Trong phút giây ta quên mọi khổ đau 
Ta khoan khoái thở khí trời buổi sáng 
Ngực đầy căng ta sung sướng thở phào. 
* * * 
Tôi chẳng mong sung sướng ở “sau này” 
Tôi chỉ cần có rượu uống “hôm nay” 
Tôi chẳng tin vào chuyện đời vay trả 
Có khác gì tiếng trống gõ vào tai. 


Cuộc đời người ngắn ngủi. Cái chết không ai tránh khỏi. Đôi khi Khayyam cảm thấy sự vô nghĩa của cuộc đời này. Nhưng Khayyam không tin vào cuộc đời ở thế giới bên kia mà chỉ mong nhận hết những gì có thể ở cuộc đời này. 


Tôi hỏi già về thế giới bên kia 
Trong góc nhà đang uống rượu say sưa. 
“Cứ uống đi! Tới đó còn xa lắm 
Những kẻ ra đi chưa thấy ai về”. 
* * * 
Gương mặt dịu dàng và hoa cỏ xanh tươi 
Tôi vẫn ham mê một khi còn sống trên đời. 
Tôi đã, đang và có lẽ vẫn còn uống rượu 
Uống đến giây phút cuối cùng của cuộc đời tôi. 

Không tin vào thiên đàng ở trên trời Khayyam vẽ ra thiên đàng dưới mặt đất. Đó là bãi cỏ xanh bên bờ suối, là buổi chiều tà, là gương mặt dịu dàng của người tình cùng chén rượu, là khi mà không còn phân biệt được được màu môi của người tình hay hay màu của rượu hồng hơn, say người tình hay rượu say hơn. 

Suối róc rách và hoa cỏ ngát hương 
Có khác chi phong cảnh chốn thiên đường 
Muốn bao nhiêu hãy nằm lăn trên cỏ 
Uống rượu nồng, âu yếm với người thương. 
* * * 
Rượu, người đẹp, ngồi trong vườn hoa tươi 
Thiên đàng đâu cũng chẳng cần nữa rồi. 
Không ai thấy thiên đàng trên trời cả 
Đành tạm bằng lòng dưới mặt đất thôi. 

Hoặc cảnh sum vầy quanh bạn bè, bên chén rượu, đêm trăng 

Bên nhau vui vẻ dưới trăng này 
Rượu nồng xin hãy uống cho say 
Mai mốt ta về thân cát bụi 
Trăng vàng muôn thuở vẫn còn đây 
* * * 
Em yêu ơi ai biết được ngày mai 
Ta hãy quên phiền muộn dưới trăng này 
Uống đi em kẻo một ngày nào đó 
Trăng lại về còn ta đã xa bay. 

Nhưng rồi cũng có lúc ta thấy chỉ còn lại một mình Khayyam và rượu – người bạn hiền duy nhất không bao giờ từ giã Khayyam. 

Hãy cho tôi một bình rượu thật đầy 
Cô bán hàng cứ rót, chớ dừng tay. 
Giờ chỉ rượu người bạn hiền duy nhất 
Cả bạn và tình đều đã đổi thay. 
* * * 
Chẳng còn người ta có thể giãi bày 
Chỉ còn rượu cho ta những cơn say 
Đừng rời tay khỏi chiếc quai bình rượu 
Nếu tuổi già không còn ai để bắt tay. 

Trong thơ Khayyam ta bắt gặp thật nhiều bài ca ngợi rượu. Hình tượng rượu trong thơ ông có rất nhiều nghĩa, nhiều cách giải thích. Những bài sau đây có nghĩa thông thường. 

Kẻ hành khất uống rượu ngỡ ông hoàng 
Cáo uống rượu thành sư tử hiên ngang 
Già uống vào thành trẻ vô tư lự 
Trẻ uống vào thành chín chắn, khôn ngoan. 
* * * 
Cuộc đời ta đầy thất vọng, chán chường 
Chỉ còn rượu ta quí trọng, yêu thương 
Rượu – máu của đời, đời là bể khổ 
Nên ta ngồi uống nước mắt quê hương. 

Rượu trong thơ Khayyam là hình tượng thi ca dùng để thể hiện, khẳng định mình. Rượu là tượng trưng cho hạnh phúc của con người, là sự phản kháng đối với những cấm đoán khắt khe của tôn giáo, ca ngợi tự do của con người. Khayyam không đồng tình với học thuyết Hồi giáo về thiên đàng: nếu ngoan đạo là phải từ chối những lạc thú ở đời này để sau khi chết sẽ được lên thiên đàng có tiên, có rượu, có suối mát, có mật ngọt chảy thành sông và một cuộc sống hạnh phúc đời đời. Còn logíc của Khayyam là tại sao trên đời này cũng có người đẹp, có rượu, có thơ, có nhạc, có buổi chiều tà, có suối róc rách và chim hót trên cành thì không hưởng đi mà phải đợi đến sau khi chết. 

Nghe nói rằng sẽ có rượu và tiên 
Và bao nhiêu sung sướng ở thiên đường 
Nhưng đời này ngươi không tình, không rượu 
Chỉ đợi chờ chẳng lẽ thế là khôn? 
* * * 
“Lên thiên đàng sẽ được uống rượu nồng 
Có tiên hầu, được sung sướng, thong dong…” 
Nhưng dưới này tôi vẫn em, vẫn rượu 
Suy cho cùng là những thứ đời mong. 

Khayyam không hoàn toàn phủ nhận sự hiện diện của thiên đàng mà thường nói “chắc gì” nhưng theo Khayyam con người phải là sự kết hợp của hồn và xác. Nếu có thiên đàng thì chỉ cho “hồn” còn “xác” vĩnh viễn nằm lại trên mặt đất, trở thành đất cát cho người đời sau đem đóng gạch xây nhà hoặc cho thợ gốm đem nặn thành bình, thành chén. 




Ý tưởng về sự vĩnh cửu của vật chất (theo quan niệm thời đó) trong thơ Khayyam được thể hiện qua đề tài thợ gốm và nghề làm gốm. Con người từ cát bụi mà ra sau khi chết lại trở về cát bụi. Từ cát bụi (đất cát) có thể được làm thành gạch hoặc thành bình đựng rượu hoặc cũng có thể từ cát bụi mọc lên cây cỏ, hoa lá… 

Có một lần tôi mua chiếc bình nói được 
“Xưa ta là ông hoàng – bình nức nở khóc – 
Trở thành đất người thợ gốm nặn ta 
Thành thứ đồ mua vui cho kẻ khác. 
* * * 
Ngươi biết không từng chiếc lá, bông hoa 
Từng một thời là tóc của người xưa 
Ai qua đường hãy thương từng chiếc lá 
Bởi hoa lá từ người đẹp sinh ra. 

Đọc thơ Khayyam ta cảm nhận được cái băn khoăn của một con người trí tuệ trước những câu hỏi muôn thuở. Những bài thơ này có lẽ được viết ra trong những năm cuối của cuộc đời ông. Khayyam nêu ra những câu hỏi với loài người: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Trong cuộc đời ngắn ngủi đâu là ý nghĩa của đời ta? Và ông đi đến những kết luận thật bi quan. 

Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? 
Ý nghĩa cuộc đời đành chịu vò đầu 
Bao nhiêu hồn dưới vòng xoay con tạo 
Cháy thành tro, thành bụi, khói ở đâu? 
* * * 
Tôi đến đây đời giàu lên có phải? 
Tôi ra đi đời có gì thiệt hại? 
Có ai người giải thích vì sao tôi 
Từ cát bụi lại trở về cát bụi? 

Một khía cạnh khác là triết lý về sự hoài nghi của Omar Khayyam. Nhà toán học, nhà triết học có những ý tưởng vượt xa thời đại của mình. Nhà bác học từng phát minh ra cốt lõi của nhị thức Newton, nhà thiên văn lập ra lịch có độ chính xác cao hơn lịch của người thế kỷ 21 đang sử dụng đã tỏ ra là kẻ hoài nghi về khả năng nhận thức những qui luật của tồn tại. 

Khi còn nhỏ đến thầy tìm chân lý 
Rồi lớn lên về gõ đầu con trẻ. 
Chân lý ở đâu? Ta từ nước mà ra 
Rồi thành gió. Đấy, chuyện đời là thế. 
* * * 
Sau cánh cửa kia còn giấu điều gì 
Ta đoán mò, ta lạc giữa u mê 
Chỉ sau khi cánh cửa đời đã khép 
Mới biết rằng ta đã lộn đường đi. 

Thế giới quan của Omar Khayyam rất phức tạp và huyền bí mà phạm vi bài viết này không thể đề cập hết. Chúng tôi xin trích một đoạn hội thoại giữa Khayyam với cô người tình trong một cuốn truyện về ông mà theo chúng tôi đã thể hiện đầy đủ về cái nhìn của ông đối với cuộc đời. 

“- Thưa ông, trà đã chuẩn bị xong và món ăn mà ông thích: bánh và mật. 

- Thế con có nhớ không, có lần ta đã bảo con rồi, tốt 
hơn trà là rượu… 

- Vâng, và tốt hơn rượu là phụ nữ, còn tốt hơn phụ nữ là chân lý. 

- Ừ, ta đã từng nói vậy. Nhưng hôm nay ta đi dạo trong vườn chợt hiểu ra rằng: tất cả đều nhảm nhí, vớ vẩn hết. Tất cả mọi thứ trên đời đều có khối lượng, trọng lượng, thể tích và thời gian tồn tại nhưng không có thước đo của một thứ – chân lý. Điều mà hôm qua tưởng đã đúng rành rành thì hôm nay lại hoá thành sai. Điều mà hôm nay người ta cho rằng giả dối thì ngày mai em trai con sẽ học trong nhà trường. Không phải lúc nào thời gian cũng là thước đo mọi khái niệm. Ta đã từng nghe bao nhiêu lời đồn đại của người đời về ta. Khayyam – người chứng minh chân lý, Khayyam – người keo kiệt, Khayyam – nghiện rượu, Khayyam – mê gái, Khayyam – vô thần, Khayyam – thần thánh… Thế mà ta chỉ là ta. 

- Thế còn con thì sao, thưa ông? 

- Con tốt hơn rượu và quan trọng hơn chân lý. Từ lâu ta 
đã muốn cho con tiền để mua cái dây chuyền vàng có đeo một cái chuông nhỏ để khi con đang đi từ xa ta đã biết rằng con đang đi đến”. 

* * * 
Trong thơ Khayyam người đẹp, rượu, hoa cỏ, thiên nhiên dưới mặt đất đối trọng với tiên nữ, rượu, vườn hoa, suối mật trên thiên đàng, kẻ hoài nghi với người tin vào giáo điều mù quáng, lòng chân thành với sự giả dối, cuộc sống với cái chết, thực tại với hư vô. 

Như đã nói ở phần đầu, Omar Khayyam có một vị trí đặc biệt trong các nhà thơ cổ phương Đông. Có thể ông không phải là nhà thơ lớn nhất (mà người viết cũng không hề có ý định xếp hạng) nhưng có thể nói rằng Khayyam là nhà thơ độc đáo nhất, không giống một nhà thơ nào khác trong khi ông lại mang những nét chung nhất của mọi con người.



Xem tiếp Omar Khayyam ở đây:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét