Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

BA TƯ - Attar


Abū Hamid bin Abū Bakr Ibrahim (sống khoảng 1145 - 1230; tiếng Ba Tư: ابو حامد بن ابوبکر ابراهیم), thường được biết đến bằng bút danh Farid ud-Dīn (فرید الدین) và Aṭṭār (عطار) – là một nhà thơ Hồi giáo, lý thuyết gia của Sufi giáo, người đã có ảnh hưởng to lớn và lâu dài đối với thơ Ba Tư và Sufi giáo.

Tiểu sử:
Nguồn về ngày sinh, ngày mất của Aṭṭār rất khác nhau và không được chứng minh.
Theo một số nguồn tin, Attar sinh năm 1119, năm mất thì chưa biết.
Các nguồn khác trích dẫn là ngày sinh ở nửa sau thế kỷ XII, và năm mất là 1230.
Nhóm nguồn tin thứ ba cho rằng Attar sinh năm 1145 hoặc 1146 tại Nishapur, và cái chết liên quan đến vụ thảm sát xảy ra tại Nishapur sau khi quân Mông Cổ của Đà Lôi chiếm năm 1221.

Attar là con của một chủ hiệu thuốc. Thời bố còn sống ông được đi chu du nhiều nơi, sang cả Ấn Độ và Ai Cập. Sau khi bố mất ông thừa kế hiệu thuốc và tiếp tục công việc trước đây của bố mình. Nhiều tác phẩm của ông được sáng tác ở trong hiệu thuốc. Sau một thời gian ông từ bỏ cửa hàng thuốc của mình và đi du lịch khắp nơi – ông đến Baghdad, Basra, Kufa, Mecca, Medina, Damascus, Khwarizm, Turkistan và Ấn Độ, gặp gỡ với giáo chủ Sufi giáo rồi trở về thúc đẩy ý tưởng Sufi.

Attar mất trong vụ thảm sát xảy ra tại Nishapur như đã nói. Ngày nay lăng mộ của ông nằm ở Nishapur. Lăng mộ này do Ali-Shir Nava'i xây dựng trong thế kỷ 16 và sau này được trùng tu mới toàn bộ vào năm 1940.


Tác phẩm:
Di sản thơ ca của Attar rất đồ sộ. Ông đã viết hàng chục trường ca và nhiều thơ trữ tình, tập hợp thành quyển “Divan”. Dưới đây sẽ nêu một số nét chính về tác phẩm quan trọng nhất của Attar – đó là tác phẩm Tiếng chim. Trong nhiều ngôn ngữ khác nhau và nhiều bản dịch khác nhau tác phẩm này được dịch là Tiếng chim (hoặc Ngôn ngữ của chim - Language of the birds), Hội nghị của chim (The Conference of the Birds) vv…
Tiếng chim (tiếng Ba Tư: منطق الطیر) là một thiên sử thi triết học Sufi gồm hơn 4500 dòng.

Theo nội dung của câu chuyện thì những con chim tổ chức một cuộc họp mà tại đó chúng phải quyết định ai sẽ là vua của chúng. Sau những tranh cãi, chim đầu rìu đề nghị đi tìm chim Simorgh huyền thoại để trao cho nó danh hiệu này. Chim đầu rìu được coi là một trong số chim khôn ngoan nhất của loài chim, đứng đầu một nhóm gồm ba mươi chim, mỗi con trong số đó tượng trưng cho các tật xấu có thể ngăn cản con người đạt đến giác ngộ. Để đi tìm nơi ở của Simorgh phải vượt qua bảy thung lũng. Đó là:

1-Thung lũng Tìm kiếm
2- Thung lũng Tình yêu
3-Thung lũng Nhận thức
4- Thung lũng Thờ ơ
5- Thung lũng Thống nhất
6- Thung lũng Bối rối
7- Thung lũng Chối bỏ

Tên của thiên sử thi dựa vào trò chơi chữ “Simorgh”, là tên của con chim huyền thoại trong cổ tích Iran, có nghĩa là “ba mươi con chim”. Thiên sử thi hình thành từ một số lượng lớn những câu chuyện ngắn có tính giáo dục và tính biểu tượng sâu sắc: hình ảnh của từng con chim là hiện thân của một tật xấu của con người (chẳng hạn như chim sơn ca đồng nghĩa với niềm đam mê tình ái, con vẹt - với các tìm kiếm đài phun bất tử thay vì tìm cách nhận biết Thượng đế, con công - với việc thờ cúng ma quỷ…vv). Bảy thung lũng mà những con chim phải băng qua có liên quan với bảy giác quan mà một người, theo học thuyết của Sufi giáo, phải vượt qua để hiểu rõ bản chất thật của Thượng đế. Phần kết của thiên sử thi cũng được liên kết với học thuyết của Sufi giáo: Thượng đế, theo Sufi giáo, không tồn tại trong một thực thể bên ngoài nào hoặc riêng biệt với hoàn vũ, mà được thể hiện trong tổng thể của tất cả những gì tồn tại.

Thiên sử thi kết thúc với thực tế rằng trong số vô vàn các loài chim chỉ có 30 con đến được xứ sở đời đời. Chúng thấy một hồ nước lớn, nhìn vào nước hồ, chim thấy trong đó sự phản chiếu của mình và nhận ra rằng chúng là những Simorgh.

Tác phẩm của Attar được dịch nhiều ra các ngôn ngữ lớn của thế giới nhưng tiếng Việt chỉ mới được Nguyễn Viết Thắng giới thiệu và dịch một số lời hay ý đẹp.

 Một số lời hay ý đẹp

**
Hãy tỏ lòng tốt với người bị phụ thuộc vào anh.

**
Luôn luôn theo sự lười biếng
Là sự sỉ nhục đi kèm.

**
Biết kính trọng người già khi còn trẻ
Là kính trọng chính mình khi bóng xế.

**
Tình của người đang yêu là lửa, trí tuệ - là khói
Khi tình yêu đến thì trí tuệ từ giã người tình.

**
Trí tuệ vô minh trong những việc tình yêu
Tình và trí tuệ không tồn tại cùng nhau.

**
Lửa thù hận, này con
Dập tắt khi còn nhỏ
Khi trời chưa cho nó
Đám cháy to chưa thành.

**
Với những người đang sống quanh chúng ta
Họ vốn những kẻ cứng đầu cứng cổ
Nếu họ không thích cách sống của ta
Thì ta cần phải thích nghi theo họ
Rồi chế ngự cái dở của người ta.

**
Không cần che giấu bệnh tật của mình
Với hai người: bác sĩ và người bạn.

**
Cái thế giới mà ta đang sống đó
Giống như là quán rượu buổi hoàng hôn
Nhưng ánh sáng của tri thức trong nó
Có thể xua tan bóng tối màn đêm.

**
Điều nghe có vẻ vô lý, nhưng nó không phải vậy, còn tốt hơn sự thiếu hiểu biết của người đã nghĩ rằng nó là vô lý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét