Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

ẤN ĐỘ - Rabindranath Tagore


Rabindranath Tagore, hay Rabindranath Thakur, (6 tháng 5 năm 1861 – 7 tháng 8 năm 1941) – là nhà thơ Bengal, Ấn Độ triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.

Tiểu sử:
Là con thứ mười bốn của một điền chủ - nhà cải cách tôn giáo giàu có. Ông đi học ở trường một thời gian ngắn; về sau học ở nhà với cha. Lên 8 tuổi, R. Tagore nổi tiếng giỏi văn nhất vùng Bengal; 13 tuổi có thể sáng tác nhạc, họa, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn và dịch kịch Shakespeare; 17 tuổi sang Anh du học; năm 1880, trở về Ấn Độ, viết vở nhạc kịch đầu tiên. Từ giữa những năm 1880, R. Tagore sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn, kịch; về sau, khi trở thành chủ bút các tờ báo khác nhau ông đã tự in tác phẩm của mình. Hầu hết sáng tác viết bằng tiếng Bengal, trong đó có một phần được R. Tagore dịch sang tiếng Anh. 

Là người yêu nước nhiệt thành, nhưng R. Tagore không thể hiện mối quan tâm lớn đến chính trị, và việc từ chối ủng hộ M. Gandhi của ông đã làm thất vọng nhiều người hâm mộ ông ở Ấn Độ. R. Tagore coi điều quan trọng hơn cả không phải là thay đổi chính thể, mà là phục hưng dân tộc, cho rằng có thể tổng hợp những tinh hoa từ các nền văn hóa Đông và Tây. Vì mục đích đó, năm 1901 ông thành lập trường tư thục Santiniketan dành cho học sinh nam tại thái ấp cùng tên của gia đình ở ngoại ô Calcutta; năm 1921 nơi đây trở thành trường Đại học Tổng hợp Quốc tế Visvabkharati dành cho các nhà khoa học có nguyện vọng tìm hiểu các nền văn minh Phương Đông. R. Tagore dành phần lớn thời gian trong những năm cuối đời của ông cho việc phát triển trường đại học này và cho nhiệm vụ đoàn kết thế giới trong nền văn hóa quốc tế. 50 năm sau Visvabkharati trở thành một trường Đại học Tổng hợp danh tiếng thế giới.

Năm 1910 ra đời tiểu thuyết sáng giá nhất của R. Tagore - Gora - ủng hộ tính nhẫn nại tôn giáo và chính trị. Năm 49 tuổi R. Tagore xuất bản bằng tiếng Anh tập thơ Gitanjali ( tiếng Bengal có nghĩa là Lời dâng). Thi phẩm này là lý do cho việc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được cả thế giới công nhận là kỳ công thứ hai của văn học Ấn Độ (sau Sakuntala của Kalidasa, nhà thơ lớn Ấn Độ thế kỷ thứ V). Đang ở Mỹ, R. Tagore không đến Thụy Điển nhận giải, chỉ gửi một bức điện cảm ơn ngắn. Nhà thơ hiến số tiền nhận từ giải thưởng cho ngôi trường của mình để miễn học phí cho học sinh. Thời kỳ sau Lời dâng R. Tagore bắt đầu được tôn vinh ở Tổ quốc của mình như một vị thánh.

Từ năm 45 đến 59 tuổi, R. Tagore lần lượt đi thăm các nước Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Liên Xô; năm 1929 ông đã đến thăm Sài Gòn 3 ngày. Năm 1915, ông được vua Anh phong tước hiệu quý tộc, nhưng sau vụ thảm sát ở Amritsar năm 1919, ông đã từ chối danh hiệu đó. R. Tagore được trao học vị danh dự của bốn trường đại học tổng hợp Ấn Độ và trường Đại học Tổng hợp Oxford.

Năm 68 tuổi R. Tagore bắt đầu vẽ tranh và triển lãm ở Munich, New York, Paris, Moskva và nhiều nơi khác. 80 tuổi R. Tagore qua đời tại quê hương Calcutta sau 2 năm bị mù, để lại 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút kí, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá. 



* Tác phẩm:
- Câu chuyện nhà thơ (Kabikahine, 1878), trường ca.
- Tiếng hát buổi chiều (Sandhya sangeet, 1882), thơ.
- Tiếng hát buổi sáng (Prabhat sangeet, 1883), thơ.
- Lễ hiến sinh (Visarjan, 1890), kịch.
- Một lí tưởng (Manasi, 1890), thơ.
- Con thuyền vàng (Sonar tari, 1894), thơ
- Khoảnh khắc (Khanika, 1900), thơ.
- Tặng vật (Naivedya, 1901), thơ.
- Kí ức (Sharan, 1902), thơ.
- Hạt cát nhỏ (Cokher bọli, 1903), tiểu thuyết.
- Đắm thuyền (Naukọdubi, 1906), tiểu thuyết.
- Trẻ thơ (Sisu, 1909; năm 1915 đổi tên thành Trăng non), thơ.
- Gora (1910), tiểu thuyết.
- Vượt biển (Kheya, 1906), thơ.
- Hi sinh (Naibedya, 1910), thơ.
- Lời dâng (Gitanjali, 1910), thơ
- Thân chủ của gia đình (Raja, 1910), kịch
- Vô cảm (Achalayatan, 1912), kịch
- Sở bưu điện (Dakghar, 1912), kịch.
- Hồi ức (Jibansmriti, 1912), thơ.
- Đá khát và những câu chuyện khác (Hungry stones and other stories, 1913), tập truyện.
- Bài hát tưởng niệm (Gitimalya, 1914), thơ
- Người làm vườn (The gardener, 1914), thơ.
- Vòng hoa thơ (Gitali, 1914), thơ.
- Ngôi nhà và thế giới (Ghare - baire, 1916), tiểu thuyết
- Thầy tu khổ hạnh (Xaniaxi, 1916), kịch.
- Mùa xuân trở lại (Phalguni, 1916), kịch.
- Đường bay của chiếc cần cẩu (Balaka, 1916), thơ
- Mùa hái quả (Fruit - gathering, 1916), thơ.
- Tặng vật (Lover's gift, 1918), thơ.
- Kẻ lánh nạn (The fugitive, 1921), thơ.
- Thác nước (Muktadhara, 1922), kịch
- Cây trúc đào đỏ (Rakta - karabi, 1926), kịch
- Dòng chảy (Yogayog, 1929), tiểu thuyết
- Cuộc khủng hoảng của nền văn minh (Sabhyatar sankat, 1941), tiểu luận.

Một số bài thơ


TA HẠNH PHÚC

Ta hạnh phúc sinh ra ở đất nước này!
Mẹ hiền ơi, ta yêu người tha thiết!
Mẹ giàu có chăng, nữ hoàng chăng – ta không biết.
Trong hơi mát của người ta sung sướng lắm thay!

Ở đâu đẹp hơn rừng hoa, đồng cỏ mùa xuân?
Và ở đâu vui hơn dưới trăng cười lấp lánh?
Dễ thương hơn cuộc đời, ta nhìn trên quê hương ánh sáng
Sẽ chiếu rọi cho ta trong giấc mộng cuối cùng.


KHI CHIM HÓT TRONG YÊN LẶNG

Khi chim hót trong yên lặng
Không biết rằng hồn của chim
Đem dâng mặt trời buổi sớm.
Khi lớn lên một thân cây
Sự nở hoa là lời cầu nguyện
Nhưng mà cây không biết điều này.


KHI TA KHÔNG LÀM VIỆC

Khi ta không làm việc, mà nghỉ ngơi
Không có sự thảnh thơi, chỉ là trống rỗng
Và chỉ có công việc làm xứng đáng
Mang lại cho ta khái niệm thảnh thơi.


CẦU VỒNG DÙ ĐẸP LẮM

Cầu vồng dù đẹp lắm
Vẽ lên chốn xa xôi
Tôi yêu đôi cánh bướm
Nơi mặt đất tôi ngồi.


ANH ĐANG NÓI GÌ

Anh đang nói gì, anh hãy nói thêm và nhắc lại
Anh đang yêu, cứ nhắc hoài đến tận buổi bình minh
Nhắc lại lời anh không chỉ một, hai, ba lần
Anh đang yêu, lời “anh yêu em” hãy luôn nhắc lại.




KHI KHÔNG NHÌN THẤY EM

Khi không nhìn thấy em trong giấc mộng của anh
Thì anh cứ ngỡ rằng vang lên lời cầu khẩn
Để cho mặt đất sẽ biến mất dưới chân
Và để bám vào bầu trời đêm hoang vắng
Anh giơ hai bàn tay lên trong nỗi kinh hoàng.
Anh sợ hãi thức giấc và nhận thấy rằng
Em đang ngồi đan len, mái đầu em cúi xuống
Em ngồi gần bên anh bất động
Cả thân hình như bức tượng lặng im.


NHỮNG ĐÁM MÂY BAY GẦN

Những đám mây bay gần che khuất những vì sao
và lời trên môi anh cũng đã tắt, như sao.
Có thể anh thốt ra điều gì nhưng ngọn gió rì rào đã che tai em lại
và tiếng thì thầm dưới mưa tan chảy…
Em bước đi, không ngoái lại, em xa rồi
và giấu đi nỗi đau của anh dòng nước mưa rơi.
Có thể một khi nào đó em còn quay trở lại?...
nhưng ngọn gió lúc này – than ôi - đã biến mất mãi mãi.




CHỈ MÌNH ANH VÀ EM

Ngày hôm nay chỉ mình anh và em
ngày hôm nay mưa rào như trút nước
ngày hôm nay màn sương như bức tường.
Dưới tiếng sấm, tiếng mưa anh liều chết
nói những lời chỉ hiểu mỗi mình em.

Tất cả hoang vu, chết lặng xung quanh
chỉ còn lại tiếng mưa rơi và sấm.
Hai tâm hồn cô đơn, trong rì rầm, yên lặng
chốn không người, trong đau đớn cơn giông
hai chúng mình sẽ hiểu nhau hơn.

Xung quanh ta tất cả đều bóng tối
và cuộc đời, có thể, chỉ là gian dối.
Nhưng bốn mắt nhìn nhau không giấu điều gì
cơn run rẩy bí huyền không dối trái tim kia.
Mất hút trong mưa tất cả những gì còn lại.

Sẽ không có một chút gì không phải
rằng trong ngôi nhà hoang vu nương náu hai người
trong ngôi nhà này không phiền muộn gì ai
khi trong tháng Srabon(1) cơn mưa run rẩy
mang đến niềm vui cho cả hai người.

Ngọn gió hôm nay gào thét khôn nguôi
và xuyên qua màn sương tia chớp.
Và lời của anh – không làm sao hiểu được –
thật dễ dàng đến với trái tim em
ngày hôm nay mưa rào như trút nước.
_______________
(1)Srabon - một tháng trong mùa mưa.


NẾU GIÓ NỔI TRONG TIM

Nếu gió nổi trong tim, hãy nhổ neo – hãy căng buồn lên.
Bơi trong đại dương tình yêu không nhìn ngó – hãy giang rộng cánh buồm.
Gió đập vào mắt, lệ tuôn trào - đó là trong tim giông tố.
Người thủy thủ trong bóng đêm! Hãy quên ngọn hải đăng – hãy giang rộng cánh buồm.


EM CÙNG VỚI BẦU TRỜI CHÁY LÊN

Em cùng với bầu trời cháy lên từ hoàng hôn đến tận bình minh
cùng với bầu trời bằng bài ca từ hoàng hôn đến tận bình minh.
Như trong rừng mưa ngọn gió khóc than cùng chiếc lá
em hãy khóc bằng tất cả trái tim mình và nỗi buồn hãy dâng tặng cho anh.




TÓC BẠC

“Tóc bạc ơi, ngươi được kính trọng và ngươi mạnh mẽ?”
Câu hỏi đầy ganh tỵ của những mái tóc đen.
“Cho các ngươi cả đấy – tóc bạc thốt lên buồn bã
Nhưng hãy trả cho ta màu tóc của buổi đầu tiên”.


KHEN NGỢI VÀ CHÊ BAI

Khen ngợi và chê bai hỏi nhà thơ câu này:
“Chúng tôi ai là bạn, là kẻ thù của ngươi?”
Nhà thơ trả lời ngay: “Chẳng có gì phải giấu
Cả hai đều là bạn và kẻ thù của tôi”.


CON LỪA

Một con lừa khát nước đứng bên hồ nước
Kêu: “Nước đen thế này làm sao uống được!”
Có thể nước màu đen để dành cho con lừa
Còn nước màu sáng cho những đầu óc sáng suốt.


TA KHÔNG ĐỢI

Ta không đợi ở em điều cứu rỗi
Và không chờ sự giúp đỡ từ em
Hay thậm chí chỉ vài lời an ủi
Nhưng hãy cho sức mạnh để vượt lên.

Ta còn lại một mình, quên tất cả
Hãy cho ta sức lực để giữ mình
Dù thời gian dối lừa ta thậm tệ
Hãy cho ta sức mạnh để hồi sinh.

Ta không cần em bảo vệ cho ta
Mà sức mạnh từ con tim em đó
Không cần em chia sẻ niềm đau khổ
Mà chỉ cần sức mạnh để vượt qua.

Ngày hạnh phúc ta tin tưởng ở em
Ngày đau khổ - ta không trách phận số
Khi thiên hạ dối lừa ta như thế
Em đừng để ta đánh mất niềm tin.


CUỘC SỐNG

Trong thế giới đầy nắng này, tôi không muốn chết đi
Mà muốn được sống muôn đời trong khu rừng hoa nở
Nơi con người ta vẫn cứ ra đi để rồi lại quay về nữa
Nơi những trái tim thổn thức và hoa gom những giọt sương
Cuộc sống đi trên mặt đất bằng sự kế tiếp của ngày và đêm
Bằng thay đổi của gặp gỡ và chia ly, hy vọng và mất mát -
Nếu những niềm vui và nỗi đau mà bạn sẽ nghe ra trong bài hát
Của tôi thì sự bất tử trong khu vườn vẫn soi sáng hằng đêm
Nếu bài hát của tôi chết thì tôi vẫn đi qua cuộc đời của mình
Bằng một giọt vô danh trong cái dòng sông bất tận
Và tôi vẫn sẽ gieo những bài hát, như hoa, trong khu vườn lớn
Để những người mệt mỏi sẽ ghé đến vườn hoa ngát hương
Để họ sẽ cúi xuống rồi ngắt những bông hoa trên đường
Rồi sẽ ném chúng đi, một khi chúng phải trở về cát bụi.

ẤN ĐỘ - Sri Aurobindo


Sri Aurobindo (tiếng Bengal: শ্রী অরবিন্দ, (tên khai sinh: Aurobindo Ghose, tiếng Bengal: অরবিন্দ ঘোষ, 15 tháng 8 năm 1872 - 05 tháng 12 năm 1950) – là nhà triết học, nhà thơ, nhà cách mạng và nhà tổ chức phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ, hành giả, đạo sư và người sáng lập của phương pháp tu hành mà ông gọi là Integral Yoga.

Tiểu sử:
Aurobindo Ghose sinh ở Calcutta (nay là Kolkata) ngày 15 tháng 8, năm 1872. Cha của ông, Krishna Dhun Ghose, là một bác sĩ phẫu thuật ở huyện Rangapura vùng Bengal. Mẹ ông, Swarnalotta Devi là con gái của nhà hoạt động của phong trào cải cách tôn giáo Bà La Môn Samaj, Shri Rajnarayan Bose.

Tên “Aurobindo” – nguồn gốc tiếng Phạn “अरविन्द” (aravinda) có nghĩa là hoa sen. Khi sang Anh, lúc đầu Aurobindo viết tên mình là “Aravinda”. Sau này trở về Belgal ông viết thành Aurobindo (từ “au” trong tiếng Anh đọc thành “o”).

Từ nhỏ Aurobindo đã được giáo dục trong môi trường văn hóa Anh. Ông cùng với các em của mình được gửi vào trường nội trú Loreto ở Darjeeling. Lên 7 tuổi được sang Anh học, năm 20 tuổi tốt nghiệp Đại học Cambridge. Aurobindo thông thạo tiếng Latin, tiếng Anh, tiếng Pháp, ngoài ra còn đọc sách bằng tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Aurobindo làm thơ và viết các tác phẩm văn xuôi thành thạo bằng tiếng Anh.

Năm 1893, Aurobindo trở về Ấn Độ. Từ đây ông tập trung học tiếng Phạn và các ngôn ngữ khác ở Ấn Độ, mà đặc biệt là nghiên cứu các trường phái triết học cũng như  kinh Vệ Đà, Áo nghĩa thư, Bhagavad Gita và Ramayana.

Trong13 năm tiếp theo Sri Aurobindo từng giữ nhiều chức vụ khác nhau trong chính quyền của thành phố Baroda (nay là Vadodara). Ông cũng dạy văn học Anh và văn học Pháp tại các trường đại học địa phương. Năm 1906 ông chuyển đến Calcutta làm Hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Quốc gia. Từ những ngày đầu tiên trở về Ấn Độ, Sri Aurobindo liên tục theo dõi tình hình chính trị trong nước. Sau các cuộc bạo loạn phản đối việc chia cắt Bengal năm 1905, Sri Aurobindo công khai tham gia phong trào giải phóng dân tộc. Trong tám năm (1902-1910) ông tích cực tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, trong đó hai lần ông bị bắt giam.

Từ năm 1910, Aurobindo rút khỏi đời sống chính trị và các hoạt động xã hội để tập trung sức lực của mình cho công việc tinh thần. Công việc này là nghiên cứu các cấp độ của nhận thức nằm ngoài tâm trí con người bình thường và chuẩn bị cho sự thay đổi tiến hóa của bản chất con người có ý thức. Ông chuyển đến Pondicherry (nay là Puducherry), một thuộc địa của Pháp ở miền nam Ấn Độ, bắt đầu tập yoga chuyên sâu.

Tác phẩm:
Tác phẩm của ông bao gồm triết học, thơ ca, các bản dịch và bình luận về các kinh Vệ-đà, Áo nghĩa thư (Upanishad), Bhagavad Gita và Ramayana. Ông được đề cử cho giải Nobel Văn học năm 1943 và cho giải Nobel Hòa bình năm 1950.

Aurobindo qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1950. Khoảng 60.000 người đã tham dự đám tang của ông. Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Tổng thống Rajendra Prasad đã ghi nhận công lao của ông vì những đóng góp cho triết học Yoga và cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Báo chí quốc gia và quốc tế kỷ niệm cái chết của ông.

Tác phẩm của Sri Aurobindo, ngoài tiếng Anh, được dịch nhiều ra các ngôn ngữ của thế giới. Tiếng Việt chỉ mới có một số bài thơ triết học được Nguyễn Viết Thắng chuyển ngữ.


 Một số bài thơ

I will not faint…

I will not faint, O God. There is the thirst,
And thirst supposes water somewhere. Yes,
But in this life we may not ever find;
Old nature sits a phantom by the way,
Old passions may forbid, old doubts return.
Then are there other lives here or beyond
To satisfy us? I will persist, O Lord.

Con sẽ không nản lòng…

Con sẽ không nản lòng. Nhưng con khát
Thì có nghĩa là có nước ở đâu đây
Nhưng tìm ra nước không dễ ở đời này
Những bóng ma thiên nhiên xưa vây lấy
Những đam mê xưa từ tro tàn đứng dậy.
Có chăng cuộc đời khác ở nơi nọ nơi này
Để thỏa mãn? Thượng Đế ơi, con giành lấy!


The Dream Boat

Who was it that came to me in a boat made of dream-fire,
With his flame brow and his sun-gold body?
Melted was the silence into a sweet secret murmur,
“Do you come now? is the heart’s fire ready?”

Hidden in the recesses of the heart something shuddered,
It recalled all that the life’s joy cherished,
Imaged the felicity it must leave lost for ever,
And the boat passed and the gold god vanished.

Now within the hollowness of the world’s breast inhabits —
For the love died and the old joy ended —
Void of a felicity that has fled, gone for ever,
And the gold god and the dream boat come not.


Con thuyền mơ

Ai đến đây trên con thuyền bằng giấc mơ lửa
Trán người bằng lửa, cơ thể mặt trời vàng?
Yên bình tan trong lời ngọt ngào thầm thĩ:
“Ngươi có đi không? Lửa có cháy trong tim?”

Có điều gì rung lên ở trong tim kín thầm
Nhớ lại tất cả những niềm vui đã từng ấp ủ
Hạnh phúc đã nếm muôn đời không còn nữa
Thuyền đã trôi qua, thần vàng cũng mất tăm.

Giờ chỉ còn hoang vắng trong tim nhân gian
Niềm vui đã không còn, tình yêu đã chết
Hạnh phúc đã bỏ đi muôn đời muôn kiếp
Ôi, đâu con thuyền mơ, đâu vị thần vàng.


In Some Faint Dawn

In some faint dawn,
In some dim eve,
Like a gesture of Light,
Like a dream of delight
Thou comst nearer and nearer to me.

Chỉ vừa mới buổi bình minh

Chỉ vừa mới buổi bình minh
Chỉ vừa mới buổi hoàng hôn
Như cử chỉ của Ánh sáng
Như mơ ước của vui mừng
Ngài càng gần, càng gần với tôi hơn.


Now I believe…

Now I believe that it is possible
To manage the arising clouds, to silence
The thunder when it roars and put our rein
Upon the lightnings. Only first within
The god we must coerce who wallows here
In love with his subjection and confined
By his own servants, wantonly enslaved
To every lure and every tempting bond.

Bây giờ tôi tin…

Bây giờ tôi tin rằng: chúng ta có thể
Xua tan những đám mây và làm im
Tiếng của sấm và buộc một dây cương
Vào tiếng sét. Nhưng trước tiên ta phải
Đề cao thần trong mình, phải đắm chìm
Vào tình yêu đối với xích xiềng
Một cách mù quáng hãy làm nô lệ
Cho xiềng gông, cho cám dỗ xiêu lòng.




Mind and heart and body

Mind and heart and body, one harp of being,
Cry that anthem, finding the notes eternal, —
Light and might and bliss and immortal wisdom
Clasping for ever.

Trí tuệ, trái tim, thể xác…

Trí tuệ, trái tim, thể xác – là một cây đàn của tồn tại
Dàn đồng ca này sẽ bất tử hát cùng nhau
Ánh sáng, sức mạnh, hạnh phúc và trí tuệ dài lâu
Từ đây sẽ là mãi mãi.


Silence is all
1
Silence is all, say the sages.
Silence watches the work of the ages;
In the book of Silence the cosmic Scribe has written his cosmic pages;
Silence is all, say the sages.
2
What then of the word, O speaker?
What then of the thought, O thinker?
Thought is the wine of the soul and the word is the beaker;
Life is the banquettable — the soul of the sage is the drinker.
3
What of the wine, O mortal?
I am drunk with the wine as I sit at Wisdom’s portal,
Waiting for the Light beyond thought and the Word immortal.
Long I sit in vain at Wisdom’s portal.
4
How shalt thou know the Word when it comes, O seeker?
How shalt thou know the Light when it breaks, O witness?
I shall hear the voice of the God within me and grow wiser and meeker;
I shall be the tree that takes in the light as its food, I shall drink its nectar of sweetness.
  


Im lặng là tất cả

1
Im lặng là tất cả, những nhà thông thái đã từng nói vậy.
Im lặng dõi theo sự chuyển động của cuộc đời này
Trong sách Im lặng Ngài đã viết những trang hoàn vũ của Ngài
Im lặng là tất cả, những nhà thông thái đã từng nói vậy.

2
Vậy thì lời là gì, hở người đang nói đấy?
Và ý nghĩ là gì hở người đang nghĩ đang suy?
Ý nghĩ là rượu của linh hồn, lời là một chiếc ly
Còn đời là bữa tiệc cho linh hồn của nhà thông thái.

3
Vậy thì người uống rượu gì, ở đâu, hở người trần
Còn ta ngồi uống rượu say sưa ở cổng Khôn ngoan
Chờ Ánh sáng của ý nghĩ cao sang và Lời bất tử
Ta chờ lâu trong vô vọng ở cổng Khôn ngoan.

4
Làm sao biết được Lời khi nó đến, hở kẻ đi tìm?
Làm sao biết được Ánh sáng khi nó vỡ, hở kẻ đang nhìn?
Ta sẽ nghe lời của Ngài, trở nên khôn ngoan và khiêm tốn
Ta sẽ trở thành cây hấp thụ vào ánh sáng và sẽ uống nước tiên.


ẤN ĐỘ - Kabir


Kabir (tiếng Hindi: कबीर, tiếng Punjab: ਕਬੀਰ, tiếng Urdu: کبير) – nhà thơ thần bí Ấn Độ thời trung cổ, nhà cải cách nổi bật của phong trào Bhakti, tác gia cổ điển của văn học tiếng Hindi.

Trong lịch sử của tư tưởng tôn giáo ở Ấn Độ, Kabir chiếm một vị trí độc đáo. Đối với người theo Ấn Độ giáo – ông là thánh Bhakti, đối với người Hồi giáo – ông là một vị giáo chủ, còn đối với người theo đạo Sikh – ông là hóa thân (avatar) của thần Hindu.

Tiểu sử:
Ngày sinh hay ngày mất của Kabir không ai biết được chính xác. Một số nhà sử học cho rằng ông sống vào quãng 1398 – 1448, một số khác lại cho là quãng 1440 – 1518.

Ông sống trong một thời đại khi mà hai nền văn hóa - Ấn Độ giáo và Hồi giáo ở Ấn Độ được hòa nhập thành một hiện tượng văn hóa thú vị và độc đáo tổng hợp Ấn Hồi giáo. Điều này ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống của người Ấn Độ: từ tôn giáo, triết học đến văn học, nghệ thuật. Không ngẫu nhiên mà trong thơ Kabir biểu hiện rõ sự tổng hợp này. Ông sinh ra là người Hindu và được người Hồi giáo dạy dỗ. Ông không ngừng lặp đi lặp lại rằng ông không phải là người Hindu mà cũng không phải là người Hồi giáo.

Trong các tác phẩm của ông cũng vậy. Kabir luôn đi con đường của riêng mình và không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của bất kỳ truyền thống tâm linh nào của thời đại mình. Ông không thừa nhận nghi lễ Hồi giáo, Ấn giáo cũng như  những lời thệ nguyện và kinh điển (kể cả kinh Vệ Đà và cổ tích Puranas), từ chối (mặc dù không phải luôn luôn) lý thuyết avatar, ông cũng không chia sẻ thái độ coi tập yoga như một cách chính của việc nhận thức Thượng Đế vv…

Học thuyết:
Tinh hoa thơ và cuộc sống của Kabir, giống như Rumi, là ý tưởng về tình yêu đối với Thượng Đế, một tình yêu bình đẳng và toàn diện. Nhà thơ Thánh dạy rằng con người không phải là tôi tớ của Thượng Đế mà là người bạn; không phải là kẻ nô lệ, cúi đầu trước mặt Ngài, mà là một người yêu thương, nhìn thấy ở Ngài sự nâng đỡ đối với mình. Theo quan điểm Rumi và Kabir, lòng tin đích thực không phải là theo đúng nghi lễ và quy định của tôn giáo mà là sự trong sạch của con tim. “Kaaba - Rumi dạy - không phải là ở Mecca, mà trong trái tim mình”. Niềm tin vào sự hợp nhất của nhân loại và giá trị của sự tôn thờ Thượng Đế duy nhất ở trong mỗi trái tim con người là cơ sở của nhà thơ thiền Sant Mat, nhà cải cách của phong trào Bhakti.

Kabir mơ về một xã hội công bằng mà trong đó, người hạnh phúc là người không chạy theo danh vọng, coi mọi người đều bình đẳng và sống theo nghĩa vụ của mình. Cơ sở của xã hội này phải không chỉ có Bhakti (tình yêu đối với Thượng Đế), mà còn Prema (tình yêu chung của tất cả mọi người). Thượng Đế phải được ở trong trái tim con người để trái tim thông qua tình yêu đối với Thượng Đế đến với mọi người.


Cái chết:
Về cái chết của Kabir cũng có một giai thoại rất nổi tiếng. Tương truyền, Kabir sống thọ 119 năm, 5 tháng 27 ngày và qua đời năm 1518 tại làng Maghar gần Gorakhpur. Khi Kabir cảm thấy cái chết đến gần thì ông sửa soạn đến Maghar. Điều trớ trêu là Kabir cả đời sống ở thành phố Benares vốn được coi là vùng đất thánh ở Ấn Độ. Những người dân ở đây van xin ông không rời khỏi Benares. Tuy nhiên, Kabir nói rằng tất cả mọi người phải chết ở nơi họ muốn, và những ai chết ở Maghar sẽ sống mãi. Khi đến Maghar, ông chọn một túp lều tranh, sai lấy hai tấm vải và một bó hoa sen rồi sai đóng chặt cửa và chỉ để ông ở đó một mình. Sau một thời gian những học trò trở lại thì không thấy thi thể của Kabir. Người ta chỉ nhìn thấy hai tấm vải và những bông hoa sen. Những người Ấn giáo lấy một tấm vải và hoa sen hỏa táng theo phong tục của mình, hiện tro vẫn được thờ ở Benares. Tấm vải thứ hai được người Hồi giáo đem chôn ở Maghar. Sau đó ở nơi này người ta dựng hai bia mộ: một của Ấn giáo, một của Hồi giáo và trở thành chốn hành hương của cả hai tôn giáo.
  

Một số bài thơ

***
Những gì bạn có thể mang đi từ đây?
Bạn đến đời này bằng bàn tay nắm đấm
Nhưng bạn ra đi khỏi cuộc đời này
Với lòng đôi bàn tay mở rộng.

***
“Tôi” và “Của tôi” – đấy là những điều tai họa:
“Của tôi” – xích dưới chân, “Tôi” – vòng treo trên cổ.

***
Tình yêu không như hoa mọc trên đồng
Không bán mua, tình yêu không có giá
Vua chúa, thường dân đều như nhau cả:
Nhận tình yêu, nếu trao cuộc đời mình.

***
Ai thấy vợ người ta đẹp thì đem
Lòng yêu thương, giống như kẻ ăn đường
Ăn thì ngon nhưng mà không biết được
Thứ đường này có thuốc độc bên trong.

***
Đời là một căn phòng đầy bồ hóng
Hạnh phúc cho ai sống bằng niềm hy vọng
Hết cuộc đời rồi bước ra khỏi phòng
Mà không làm bẩn áo quần của bạn.

***
Hoa nở – để rồi tàn; nhà xây – để rồi đổ sập
Trăng mọc lên – để lặn; người sinh ra – để chết.



***
Ngày tháng trôi, đời trở nên ngắn hơn
Đời – như nước, còn ta – như bong bóng
Ta biến mất giống như sao buổi sáng
Khi bắt đầu xuất hiện ánh bình minh.

***
Từ bên kia chưa ai quay về cả
Để hỏi câu: “Bên đó sống thế nào?”
Mà ngược lại, tất cả chui vào mộ
Câu hỏi này có ai phản hồi đâu.

***
Lòng đam mê, yêu không phải vợ mình
Không có gì tai họa bằng chuyện ấy
Đời là một đại dương. Mà dưới đáy
Những người vợ là những quái vật đại dương.

***
Không thể yêu vừa sự thật, vừa gian dối
Vừa lòng tốt lại vừa tiếng kim tiền
Đừng gắng làm một cái trống đáng thương
Mà người ta đánh cùng lúc hai phía.

***
Giống như con ngươi trong mắt
Thượng Đế trong hồn con người.
Đi tìm Ngài từ bên ngoài
Là việc điên rồ, vô ích.

***
Tôi muốn đốt mình để hướng trời xanh
Khói của tôi bay trên những cánh đồng
Để cho thần Rama nhìn thấy khói
Sẽ đổ mưa và sẽ thắp lửa lên.

***
Khi Kabir “đã đi” thì người ta dễ nhận
Rằng Kabir đã không còn trong cõi người ta
Chỉ có thần Rama gặp Kabir âu yếm
Như với một con bê, con của một con bò.

***
Tâm hồn ta đớn đau nặng nề đến thế
Còn đôi mắt ta từ lâu không ngủ.
Ta chờ lời gọi của người yêu thương
Trong ngôi nhà cha mẹ ta cảm thấy buồn…
Và đây, trước mặt ta bầu trời rộng mở
Ngôi đền cấm lúc này đang mở cửa
Bên cửa ra vào ta gặp người thương
Ta trao cho người cả thể xác, linh hồn.



THƠ VỀ CÁI CHẾT

*Người đời sợ cái chết, còn ta thì vui mừng. Vì rằng chỉ ở trong cái chết ta mới có được hạnh phúc đích thực.

*Mỗi người đều chết, nhưng không ai biết được chết ra sao. Hãy chết sao cho bạn không phải chết lại.

*Không kẻ nói dối nào có thể chịu được sự kiểm tra của đá thử Rama (thần của Ấn giáo). Chỉ người chịu đựng được là người đang sống mà như đã chết.

*Xương cháy như củi, tóc cháy như cỏ. Nhìn thấy thế gian này đang cháy làm cho Kabir trở nên buồn.

*Thầy thuốc chết, con bệnh chết. Chỉ một mình Kabir không ai thương tiếc thì không chết.

*Một người chết, thể xác được chôn – những dấu hiệu rất rõ ràng. Nhưng ngay cả biết được điều này, sinh vật sống cũng không từ bỏ sự vô nghĩa của thế giới mà mắt nó nhìn thấy. 

*Cuộc đời thì ngắn ngủi, thế mà người ta lại biến nó thành một sân khấu lớn để biểu diễn. Cuối cùng, tất cả sẽ đi ra khỏi thế giới này – giàu, nghèo, vua chúa đều vậy cả.

*Rồi sẽ đến một ngày, khi với tất cả đành phải chia tay. Ôi Raja, hoàng hậu, vua! Tại sao bây giờ không đi quan tâm về tương lai?

*Đừng hếch mũi lên khi nhìn vào xác thân đẹp đẽ của mình. Một ít nữa thôi, rồi bạn sẽ phải giã từ với nó như con rắn với làn da cũ.

*Đừng hếch mũi lên khi nhìn ngôi nhà cao đẹp của mình. Một ít nữa thôi rồi bạn sẽ về nằm dưới đất, còn phía trên cỏ sẽ mọc lên.

*Đừng hếch mũi lên, vì rằng cái chết đã vồ lấy mái tóc đen. Không biết được rồi bạn sẽ chết ở đâu – trong nhà mình hay ở nơi xa lạ.

*Bố mẹ tôi – là những người xa lạ, tôi cũng là người xa lạ với hai người. Chúng tôi chỉ tình cờ gặp nhau trên con thuyền trôi trên dòng sông của sự tồn tại.

*Đây – là ngôi nhà xa lạ, nơi kia – mới là ngôi nhà đích thực của ta. Ta đi đến đây ra chợ để bán buôn. Ta bán đi thành quả của việc ta làm rồi ra đi không mà còn quay trở lại.

*Nếu một người sống mà như đã chết, từ bỏ tất cả những ham muốn trần tục để phục vụ Chúa tể của mình thì Hari (Đấng Tối Cao) sẽ bảo vệ đầy tớ của mình khỏi đau khổ.

*Chết khi còn sống, thành một kẻ bị người đời khinh bỉ ngoài nghĩa địa – không ai hiểu được bí mật của ta. Chỉ có Hari dịu dàng gọi ta, như một con bò yêu con bê của mình bé nhỏ.

*Nếu ta đốt ngôi nhà giả thì ta cứu được cho ngôi nhà thật, còn nếu ta giữ gìn ngôi nhà giả thì ta đánh mất ngôi nhà thật. Ta nhìn thấy một điều kỳ diệu – ai chết khi còn sống, người này chiến thắng cái chết.

*Cái chết tốt hơn là cuộc sống ở trong thế giới của sinh tử cho những ai biết làm thế nào để chết. Ai chết trước cái chết của mình, người đó trở thành bất tử trong thời đại Kali Yuga (một phần tư trong vòng thời gian của Ấn giáo).

*Đêm hôm nay hoặc sáng ngày mai nó sẽ bắt ta ở trên đường. Con người là con chim sẻ mà cái chết là con chim ưng thích săn mồi một cách bất thình lình.

*Cái chết đang đứng trên gối giường của bạn. Hãy thức giấc, hỡi người bạn thân yêu! Tại sao chưa có tình yêu đối với Rama (thần của Ấn giáo) mà bạn ngủ yên được vậy?

*Cả thế giới đang ngủ, chỉ có một vị thánh không thể ngủ, bởi vì Ngài nhận ra rằng cái chết đang đứng ở đầu giường, giống như chú rể đứng chờ trước cổng nhà cô dâu vậy.

* Hôm nay ông nói: “Ngày mai tôi sẽ đọc Hari”. Ngày mai nói lại: “Ngày mai”. Vì vậy, việc trì hoãn từ ngày này sang ngày khác là đánh mất thời gian thích hợp.

* Con người giống như một con chim mổ từng hột thóc – ý nghĩ lóe lên trong từng khoảnh khắc. Linh hồn chưa được miễn giải thoát vì lo lắng thì Yama (thần chết) đã đến và đánh trống.

*Cái gì lên – rồi sẽ xuống; cái gì đến – rồi sẽ đi; cái gì xây – rồi sẽ đập bỏ; cái gì sáng tỏ - rồi sẽ lụi tàn.

*Đàn đã đứt dây. Đàn còn biết làm gì nếu như người chơi đàn đã bỏ đi? (Đàn ở đây được hiểu là thể xác còn người chơi đàn là linh hồn).

*Kẻ lữ thứ bước trên đường, khoác một cái bị trên lưng, còn ở phía trước là cái chết đang đợi – tất cả trong đời này là ảo ảnh thế thôi.

*Năm tháng đi qua, sức tàn lực kiệt, ngay cả màu của tóc và da cũng đổi thay. Sự hủy diệt này là không thể phục hồi, dù có ăn năn đến mấy.

*Hãy yêu Hari (Đấng Tối Cao), đừng suy nghĩ gì nhiều. Như con vật bị buộc bên cánh cửa, nó không biết còn sống được bao lâu, ngươi thì cũng không biết được sẽ chết khi nào.

*Thể xác là phù vân còn linh hồn thì cũng không bền vững, thế mà con người cứ khư khư với cái của mình không nhớ tên Rama. Nhưng con người càng sống vô tư thì cái chết cười càng lớn.